(#copy)
Đi đầm nước lợ thì câu dính cá gì
Với những bạn mới chơi lure ở Saigon sẽ thường chọn cá lóc đen để khởi đầu đam mê vì gần nhà lại dễ chơi. Nhưng khi được bạn câu lâu năm rủ đi Phước An, Long Sơn, Bình Đại... để câu nước lợ thì sẽ không biết mình sắp câu được con gì mà chuẩn bị đồ trước cho kỹ. Vậy mình xin chia sẻ một số cá thông dụng ở đầm nước lợ mà mình đã từng đi để các bạn đọc chơi cho vui trước chuyến đi salt water đầu tiên nhé. Chỉ là kinh nghiệm hạn hẹp cá nhân, có thể ko đúng ở một số vùng khác nhau.
1. Cá Chẽm : king of lure fishing
- phân bố : rộng khắp cả nước nên không khó tìm thấy nó ở mọi đầm nước lợ
- size cá : dưới 1kg gọi là chẽm lá và rất nhiều xương nên khi câu được người ta sẽ thả lại. Còn từ 1.5kg - 6kg sẽ gặp nhiều. Từ 7kg - 13kg hiếm gặp nhưng vẫn có. Trên 15kg khá hiếm và đụng trúng cũng khá khó bắt với các bạn mới chơi.
- lure : cá chẽm gặp con lure gì nó cũng múc, ở tầng nước nào nó cũng múc, miễn quăng đúng vào phạm vi săn mồi của nó. Lure lớn lure nhỏ gì nó cũng húp vào sâu trong cuống họng chứ không cắn.
- đấu cá : cá chẽm nuốt mồi xong sẽ bỏ chạy, nếu bị mắc lưỡi nó sẽ santo để gỡ lưỡi. Cá size 4-7kg là chạy ác chiến nhất, cá nặng hơn thường hơi ì ạch. Bắt cá chẽm đừng siết drag cứng dể nổ dây, quác lưỡi, cứ để cho nó chạy cho vui rồi khi vào gần bờ vờn nó tới khi nó ngửa bụng hãy lên cá. Tuỳ thuộc vào size cần-máy-dây của bạn mà landing con cá nhanh hay chậm, cứ kiên nhẫn ko cần gấp. Nếu chơi cần H máy khoẻ thì gặp chẽm 3kg cứ lôi như con thôi. Còn chơi UL mà đụng hugo 7-8kg trở lên thì có khi phải cởi đồ bơi theo nó, hoặc lên ghe chèo theo nó chứ không là hết cuộn dây.
- Dấu hiệu tìm cá : cá chẽm thích nằm dựa bụi chà giữa đầm, hoặc cạnh những gốc cây to vươn ra mặt nước, hoặc cạnh mép cống chính, cứ quăng lure vào để tìm cá. Nếu thấy tôm búng ầm ầm thì cũng ném lure vào gần đó, hoặc đàn cá đối đang bơi thì bỏ chạy tán loạn, bay hẳn lên khỏi mặt nước cũng là dấu hiệu chẻm hugo đang săn mồi. Cá chẽm nằm cả ở trên ngọn đầm và gần cống, những ngày nước kém nên mài loanh quanh ở cống sẽ nhạy chẽm hơn.
=>>> cá chẽm được dân lure yêu thích vì size cá to và chạy khoẻ. Giá chợ khoảng 140k - 200k một kí cá tuỳ size. Nếu hôm nào mài được con chẽm 5kg là bạn đã "lời" tiền câu của ngày hôm đó. Nếu lần đầu đi câu đầm nước lợ thì bạn chỉ cần nhắm mục tiêu câu chẽm là được.
2. Cá Tráp : king of sashimi
- phân bố : thậm chí còn rộng hơn cá chẽm
- size cá : thân dài dưới 1 gang tay (20cm) rất ít thịt nên thả lại, dài trên 1 gang tay là ăn ngon.
- lure : miệng cá tráp nhỏ và tập tính thích ăn tôm nên thường nhạy cá khi câu bằng crankbait nhỏ, cá sắt size 5g quay chậm gần chạm đáy. Cá tráp thường chụp đuôi lure, nên chọn lưỡi đuôi size 10 là vừa. Miệng cá tráp có thể cắn bể vỏ sò/vẹm nên phải chọn lưỡi càng cứng càng tốt.
- đấu cá : do tập tính cá tráp hay đi thành đàn, nên dân câu rất thích bào tráp càng nhiều càng tốt. Con tráp size 1kg trở lên nó cơ bắp và chạy khoẻ như con chẽm 3kg. Câu tráp cẩn thận tránh để sẩy lưỡi vì sẩy rồi nó thường kéo nguyên bầy bỏ đi nơi khác, mình phải đi tìm bầy khác để câu. Nhàn nhất là hỏi chủ đầm giờ mở cống lấy nước vô rồi cứ đứng cống mà bào bằng mấy con DDChubby lặn sâu.
- dấu hiệu tìm cá : thường không có dấu hiệu rõ ràng, nên đa phần là đánh ở cống.
=>>> cá tráp được dân sành ăn sashimi yêu thích vì thịt rất ngon và chắc, tráp đen sẽ ngon hơn tráp trắng. Giá chợ vào khoảng 220k/kg , ngày nào bào được 10 con là bạn dư dả luôn tiền tour. Đi đầm nước lợ nên mang 1 bộ cần lớn và thêm bộ UL chờ giờ nước vô để bào tráp.
3. Cá Măng : king of racing boy
- phân bố : đa số gặp cá măng nhiều ở Phước An và Long Sơn
- size cá : cá dưới 50cm thường dễ rách mỏ vuột cá, cá lớn hơn miệng cứng hơn sẽ dể câu hơn.
- lure : có thể vỗ pop hoặc đánh jig nhanh tay là thu hút cá măng nhất, còn lại nếu cá dày thì đánh gì nó cũng ăn.
- đấu cá : Khi đã chụp được lure thì cá măng nó cắm đầu chạy như thằng điên, vì vậy một là đánh cục súc hẳn, cứng drag, ép cần, quay nhanh tay để lôi cá lên bờ càng nhanh càng tốt. Hai là lỏng thật lỏng drag đánh từ từ để tránh rách miệng cá. Nói chung câu măng rất hay sảy cá nên tuỳ phong cách chơi mà bạn sẩy riết sẽ rút kinh nghiệm được.
- dấu hiệu tìm cá : cá măng hay đi theo bầy, nằm loanh quanh ở những ngã ba lớn trong đầm cách cống không xa. Nếu bạn đã dính con măng ở đâu thì cứ ném lure tiếp vào đó sẽ còn bầy của nó. Sẩy cá nhiều cũng dẫn đến cả bầy bỏ đi nơi khác.
=>>> câu được cá măng rồi không cần phải móc khoen rộng sống cá vì nó cũng chết sớm thôi, cứ cột dây để trên triền đầm cho nó sình lên chút chút sẽ dễ nạo chả làm món chả cá măng ngon nhức nách. Cẩn thận kẻo chó hoặc cua trong đầm nó ăn mất cá. Giá cá măng ở chợ khoảng 200k/kg
4. Cá Nhồng : king of ... cái nịt
- phân bố : gặp nhiều ở Phước An, Long Sơn, ít gặp ở Bình Đại
- size cá : cá dưới 1kg hay đi theo bầy, khi cá lớn thì thường tách bầy đi săn lẻ lẻ. Trong đầm thường ít khi gặp nhồng 5kg trở lên, size đó muốn bắt nó cũng khó.
- lure : đặc tính tấn công vào phần đầu con mồi nên cá nhồng thường hay lỡ cắn đứt leader dù có là size dây #10, #12 đi nữa. Nếu xác định kiếm nhồng nên chọn lure dài từ 95mm trở lên, thân tải 3 lưỡi là đỡ đứt dây nhất. Xui xui bị nhồng cạp lủng lure mất action thì đành chịu.
- đấu cá : cá nhồng cũng chụp con lure rồi chạy cắm đầu như cá măng, nhưng được cái miệng nó rất cứng nên khó sảy lưỡi, nếu cầm đồ lớn cứ tự tin ép cá quay đầu. Nên landing cá nhanh để tránh đêm dài lắm mộng, santo cắn đứt dây leader là còn đúng cái nịt cầm về .
- dấu hiệu tìm cá : món ăn cá nhồng thích nhất là cá đối, nên cứ thấy đàn cá đối nào bị nó quậy là ném thẳng lure vào chỗ đó. Hoặc những bãi cạn cũng có cá nhồng nằm im im rình mồi. Tìm cá nhồng khá khó, tới khi thấy nó làm cái ầm mất lure thì biết là đụng nhồng chó điên.
=>>> Cá nhồng phải dùng kẹp cá chứ đừng dùng tay cầm miệng nó, ko thôi nó lượm mất 1 ngón. Thịt cá nhồng khá tanh, cắt khoanh chiên như chiên cá thu là ngon. Giá rẻ bèo 70k/kg, mà dm lại còn hay làm mình mất lure...
5. Cá Mú : king of ... lẩu chua cay
- phân bố : cá mú theo con nước vào đầm rất ít, đa phần nằm ngoài biển là nhiều. Đi câu đầm mà đụng được cá mú thì phải nói rất may mắn.
- Size cá : rất ít thông tin, đôi khi gặp bú bình, đôi khi đụng phải hugo 7-8kg
- lure : cá Mú thường đục lỗ làm hang, nếu lure ngang lỗ nó nằm thì nó lao ra chụp lôi vô hang, vì vậy nên chọn crankbait mập mập như hột mít lặn sâu hoặc vib có bi đi sát đáy.
- đấu cá : cá mú có đặc tính như tàu ngầm, chụp lure xong lập tức lặn về hang và rúc sâu vào trong, phồng 2 cái má lên như cây đinh dù đóng mái tôn. Nếu bạn chơi đồ lớn thì nạy cá nhỏ lên không khó, còn gặp hugo mà phản ứng chậm là xác định quỳ lạy nó luôn. Trừ khi nhờ ai biết lặn, lần theo dây lặn xuống thò chân đạp vô mặt nó là nó bỏ chạy ra ngoài.
- dấu hiệu tìm cá : không có dấu hiệu tìm cá, trừ khi biết lỗ nó nằm thì đè ra mài.
=>>> Cá mú có giá bán khá cao, từ 250-320k/kg tuỳ loại Mú, thịt rất ngon hợp ăn sashimi hoặc nấu lẩu. Khi dính cá mà không thấy cá chạy ngang lại cứ rúc đầu xuống thì bạn nên cứng drag để nạy nó lên, bất chấp dây, lưỡi vì để nó vô hang rồi là trước sau gì cũng mất. Mình từng nạy lên 1 bộ lòng cá Mú (có cả xác cá con bên trong) mà vẫn ko thấy cá trồi lên, thặc vi dịu. Cá mú sao xanh là đặc sản biển, 750k/kg.
6. Cá Chét : gặp nhiều ở Bình Đại và Long Sơn hơn, size cá trong đầm thường cỡ dưới 2kg. Chạy dây cũng max phê. Thịt ăn bình thường, giá bán 200k/kg, hay dùng làm khô cá chét (cá nhụ).
7. Cá Hồng Miêu : đặc tính giống cá Mú, thường nằm gốc cây đước hoặc bụi chà lớn, hoặc nằm dưới những lõm to do xáng cạp xúc đầm tạo nên. Thịt rất ngon, giá bán 220k/kg trở lên.
8. Cá Căng : có sọc đen trên mình, size 100g - 300g, kêu ọt ọt như lợn con, chiên ăn rất ngon, 120k/kg.
9. Cá Ngát và cá Quác : có 3 ngạnh cứng đâm vào da thịt là chúc mừng bạn quay vào ô nhập viện. Rất ít gặp trong đầm nhưng nó cũng ăn lure và chống cự rất mãnh liệt.
Bài tới đây đã rất dài, đọc tới đây có khi bạn đã quên moẹ hết mấy phần ở trên, lượng kiến thức dựa trên kinh nghiệm cá nhân nên sẽ không đầy đủ mà đang đợi bạn tự khám phá thêm để tăng sự hấp dẫn của những chuyến đi câu đi kéo. Chia sẻ thoải mái không cần credit miễn là vui.
#câu_lure_căn_bản