Kinh nghiệm đi Bangkok và Ayutthaya tự túc

Kinh nghiệm đi Bangkok và Ayutthaya tự túc

Phần 1: BANGKOK – Thái Lan không xa lạ với nhiều người nhưng khi đi du lịch tự túc lần đầu thường mọi người vẫn bị bỡ ngỡ nên mình tổng hợp một số kinh nghiệm để giúp mọi người thuận tiện hơn trong lần đầu đến Thái.

Sân bay:

Sân bay cũ là Don Muang (DMK) và sân bay mới Survanabhumi (BKK) đều nằm cách trung tâm hơn 20km. Trước đây DMK chưa có line tàu điện nên mọi người hay chọn bay đến BKK. Tuy nhiên, giao thông ở Thái phát triển rất nhanh, đường sá được xây dựng liên tục để đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế và đời sống nên giờ đây mọi thứ đều rất thuận tiện. Khoảng 2 – 3 năm trở lại đây thì sân bay DMK cũng đã có line tàu điện, tăng thêm lựa chọn cho hành khách. Như vậy từ DMK vào trung tâm sẽ có các lựa chọn là tàu điện, tàu lửa, xe buýt, tuk tuk, taxi và xe công nghệ. Từ BKK vào trung tâm cũng giống vậy, chỉ không có tàu lửa. Mình đã đi cả 2 sân bay, đợt tới nếu có đi Bangkok nữa mình có thể sẽ chọn sân bay DMK vì giá vé máy bay từ SGN rẻ hơn vài trăm so với bay đến sân bay BKK ^^.

Hãng bay:

Có nhiều hãng bay đến Bangkok với nhiều mức giá khác nhau. Bay thẳng từ SGN đến DMK thì chỉ có Air Asia. Bay thẳng đến BKK thì có rất nhiều, trong đó giá rẻ sẽ có VietjetAir và Thai VietjetAir. Nếu chọn VietjetAir thì lưu ý khoảng cách giữa các hàng ghế sẽ rất nhỏ, khi ngồi sẽ không thoải mái. Thai VietjetAir (tiếp viên nói tiếng Thái) thì khoảng cách giữa các hàng ghế rộng rãi hơn, có ổ cắm sạc điện thoại phía trước mặt luôn, đi thoải mái hơn VietjetAir. Vé rẻ thường sẽ không bao gồm suất ăn trên chuyến bay, không có hành lý ký gửi, chỉ bao gồm 7kg hành lý xách tay (bao gồm cả 1 túi xách nhỏ nếu có). Đợt này quầy check in cân ký cũng dễ tính, không đặt cái cân Nhơn Hòa ngoài cửa ra máy bay để cân lại nữa :)))

Vé máy bay:

Thường mình sẽ check giá trên các trang traveloka, kayak, skyscanner,… hoặc trực tiếp trên web của hãng bay. Nên kiểm tra so sánh giá vé tùy ngày bay và giờ bay để chọn chuyến bay phù hợp với ngân sách của mình.

Nơi ở + Đi lại:

Chọn ngân sách bạn muốn trả cho mỗi đêm nghỉ, lên google chọn khu vực bạn muốn ở, rồi lên các web/app đặt phòng như booking, agoda, traveloka,… tìm. Nên ưu tiên chọn các khách sạn mà gần ít nhất 1 line tàu điện (BTS – Sky train, MRT – tàu điện ngầm). Kinh nghiệm của mình là bạn mở google map gõ Bangkok, bản đồ sẽ hiện ra các đường màu đen, xanh lá, xanh dương, tím, đỏ. Bạn tìm khách sạn rồi search quãng đường từ khách sạn đến trạm tàu điện gần nhất trên các đường đó, nếu thời gian đi bộ dưới 10 – 15 phút thì ổn. Mình sẽ ưu tiên chọn khách sạn ở gần trạm tàu Makkasan, vì ở đây là nơi giao nhau giữa BTS và MRT, việc kết nối đến các điểm vui chơi đều cực kỳ thuận tiện. Ngoài ra, trạm tàu này cũng nằm trên đường tàu đi sân bay BKK nên ngày về sẽ không sợ cập rập.

Như phần đầu mình có đề cập, giao thông ở Bangkok nói riêng và Thái Lan nói chung phát triển và đổi mới từng ngày. Hệ thống giao thông công cộng gồm tàu điện trên không (BTS), tàu điện ngầm (MRT), xe buýt, tuk tuk, tàu thủy, taxi, xe công nghệ. Đối với tàu điện, giá vé cho quãng đường ngắn nhất từ 15 baht. Nếu muốn trải nghiệm tất cả các loại hình phương tiện giao thông công cộng thì bạn có thể chọn đi các phương tiện khác nhau. Nếu muốn thuận tiện thì có thể dùng taxi hoặc tiết kiệm hơn bằng cách dùng app Bolt (giống như Grab) giá thường sẽ rẻ bằng ½ Grab tùy thời điểm. Nếu đi nhóm 3 – 4 người thì rẻ hơn so với đi tàu điện hoặc xe buýt. Đăng ký tài khoản Bolt rất đơn giản, gắn sim Thái vào, tải app về rồi đăng ký bằng số điện thoại Thái rồi dùng như Grab thôi.

Ăn uống:

Đồ ăn Thái cũng khá đa dạng và dễ ăn, giá cả cũng tương đương với Việt Nam thôi. Nếu không xác định sẽ đến ăn ở các điểm nổi tiếng được review thì kinh nghiệm của mình là cứ đi ngang qua mà thấy vừa mắt vừa mũi thì tấp vào ăn luôn. Thường thì street food có nhiều gian hàng nhưng mỗi quầy đều bán món khác nhau nên đi qua rồi thì sẽ không thấy món đó ở các quầy kế tiếp.

Nước uống thì bán đầy khắp mọi nơi, phổ biến nhất là nước ép lựu, nước ép cam, chanh dây. Hoặc tiện nhất là vào 7-Eleven, cứ cách vài bước chân thì sẽ có một cửa hàng nên cực kỳ tiện lợi.

Wifi:

Toàn thành phố hoặc các trung tâm thương mại đều có wifi miễn phí, có mạng giới hạn 30 phút mỗi lần truy cập, có mạng được 24 tiếng truy cập. Chỉ cần điền vài thông tin cơ bản để sử dụng.

Trang phục:

Bangkok & Thái Lan đang mùa nóng nhất trong năm nên ưu tiên chọn trang phục thoải mái. Chọn cho mình đôi giày thoải mái và đã đi quen chân để tránh bị đau chân do đi bộ nhiều. Rút ra từ kinh nghiệm đau thương của mình khi mang một đôi giày mới toanh đi mỗi ngày 10.000 – 20.000 bước chân (tương đương 8 – 16km).

Người Thái ở Bangkok hầu hết đều rất thân thiện, nhiệt tình khi mình cần sự giúp đỡ. Như ngày đầu mình đến, có chuẩn bị sẵn mấy tờ tiền mệnh giá nhỏ (20 baht) để mua vé tàu nhưng do Thái đang lưu hành cả mẫu tiền cũ và mới mà máy bán vé tự động chỉ nhận diện được mẫu tiền mới nên mình không thể mua được do mình có cả tiền cũ và mới. Thế là anh bảo vệ gần đó đã đổi tiền giúp mình để mua vé tàu. Khi đến ga xuống, mình loay hoay không biết xem map thế nào thì một chị người Thái cũng rất nhiệt tình xem giúp và chỉ dẫn hướng đi. Liên tiếp những ngày ở Bangkok mình đều nhận được sự trợ giúp nhiệt tình từ người dân địa phương, có chị không nói được tiếng Anh nên khi mình hỏi thông tin thì chị ấy đã gọi điện thoại cho người thân rồi đưa máy cho mình để mình nói chuyện. Mọi thứ đều cực kỳ dễ thương. Đổi lại, nếu có thể, mong là mọi người khi đi du lịch hoặc gặp người cần trợ giúp thì cũng sẵn lòng giúp đỡ nhiệt tình nhé ^^

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

POST ADS1

POST ADS 2