CHIA SẺ KINH NGHIỆM DU LỊCH TỰ TÚC NHẬT BẢN

CHIA SẺ KINH NGHIỆM DU LỊCH TỰ TÚC NHẬT BẢN 

Phần 1: NHỮNG THỨ CẦN CHUẨN BỊ VÀ NÊN BIẾT TRƯỚC KHI DU LỊCH NHẬT 

📌Cần chuẩn bị trước và sau khi đến Nhật:

🛫 Trước khi sang Nhật 
✅ Visa du lịch Nhật (đọc bài kinh nghiệm xin visa tự túc ở đây https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=10210433219423027&id=1720084211&mibextid=qC1gEa

✅ Sim du lịch 4G Nhật: mua sẵn ở VN mang sang thì sẽ rẻ và tiện hơn. Sân bay Nhật có bán sim nhưng xếp hàng rất lâu. Lưu ý là sim 4G du lịch Nhật thường sẽ không kèm số điện thoại nha nên nếu cần gọi sẽ gọi qua 4G.

✅ Giày mềm: Du lịch Nhật đi bộ và phương tiện công cộng là chính nên cần mang giày nào đi bộ lâu không đau chân nha quý vị. Ở nhà ngày đi bộ không quá 2km mà sang Nhật có ngày tôi cuốc bộ gần 20km ạ 😂

✅ Thuốc và men tiêu hóa: Người Nhật gần như không nói tiếng Anh nhiều nên tốt nhất dắt túi sẵn các loại thuốc cảm, đau bụng cơ bản vì nhỡ mà cần thì có sẵn chứ đợi mua được cũng hết hơi. Men tiêu hóa thì cần vì đồ ăn Nhật ít rau lắm, con dân nước nông nghiệp ăn toàn rau như tôi sang Nhật bị khó tiêu vì 10 ngày ăn được vài cọng rau, chủ yếu là hành 🥲 

✅ Vé tàu JR Pass: Nếu đi liên tỉnh XA nhiều thì mua JR Pass All Japan còn nếu đi các tỉnh thuộc cùng một vùng (Ví dụ vùng Tây - Kansai) thì mua JR Pass vùng. JR Pass được coi là tấm vé thần kỳ đi khắp Nhật Bản. Nó như kiểu vé tháng, đi bao nhiêu chuyến tùy thích trong thời hạn của vé, bao gồm được kha khá loại tàu/xe bus do công ty đường sắt Nhật Bản quản lý. Tuy nhiên mọi người cần dựa vào lịch trình cụ thể để quyết định xem có mua JR Pass không. Chỉ nên mua JR Pass nếu đi xa nhiều còn nếu chủ yếu đi lại trong nội tỉnh thì mua free pass tàu/xe bus của từng tỉnh.  
>>> Ví dụ nếu bạn chỉ ở Tokyo là chính + đi Phú Sỹ trong ngày thì chỉ cần mua vé metro ngày của Tokyo + vé bus lẻ đi Phú Sỹ. 

Con Mèo đi 11 ngày và đi tỉnh nhiều nên mua 1 vé JR Pass All 7 ngày + 1 vé JR West Kansai 4 ngày đi tẹt ga, chỉ mất thêm tiền đi lại trong nội tỉnh lẻ các tuyến mà JR không cover còn lại thì không tốn thêm xu nào. Vé JR dùng được cho cả tuyến đi/ về từ sân bay về trung tâm nên rất tiện. 

Lưu ý: Với vé JR Pass All, agency sẽ gửi voucher giấy về. Đến Nhật các bạn mới ra phòng vé để đổi sang thẻ giấy. Nếu dùng để đi từ sân bay về thì các bạn đổi vé luôn ở phòng vé ở sân bay NHƯNG sẽ phải xếp hàng khá lâu vì cty JR hơi dở hơi, xếp người mua mới và người có sẵn voucher chung như nhau nên đợi cả tiếng mới đổi được thẻ giấy 😑 Vậy nên bạn không nhất thiết phải active luôn thẻ JR từ ngày đầu mà có thể đợi khi nào bắt đầu đi xa nhiều mới active. 

Với vé JR vùng thì các bạn in sẵn voucher trên email ra cầm theo để đổi thẻ ở phòng vé. Lý thuyết là ko cần in giấy mà có thể đổi vé thẳng ở máy NHƯNG cái nè chỉ áp dụng được NẾU hộ chiếu của bạn là loại có gắn chip IC còn nếu không gắn chip thì máy không quét được hộ chiếu >> vẫn phải ra phòng vé đổi >> phòng vé Nhật rất là thủ tục cứng nhắc, bắt in ra giấy mới cho đổi 😑 Hơi dở hơi nên tốt nhất cứ in ra phòng sẵn nhé. 

✅ App google maps và Japan Official Travel: để tra đường. App Japan Official Travel để tra tuyến nào dùng được pass. Tra xong thì qua google check hướng dẫn đi cụ thể (Ví dụ: ra cửa nào của ga, đứng ở platform nào, chuyến tiếp theo là mấy giờ) 

🛬 Sau khi sang Nhật
✅ Thẻ IC (Suica/Pasmo/Icoca): Cái thẻ này cũng thần kỳ gần bằng thẻ tàu JR 😌 Nôm na thì nó là một cái thẻ thanh toán cho việc đi lại VÀ shopping, từ đi tàu, đi xe bus, mua sắm ở cửa hàng tiện lợi, miễn có máy đọc IC là đều thanh toán được bằng thẻ này, tít một cái là xong, không cần cầm tiền mặt rồi đếm xu lằng nhằng. Kể cả bạn mua vé metro ngày ở Tokyo cũng có thể tích luôn vào thẻ, đi qua cửa cứ tít một cái là xong, mà mua vé metro Tokyo bằng thẻ còn rẻ hơn mua thẻ giấy cơ. Con Mèo mua thẻ Pasmo. Thẻ nè có thể mua luôn ở máy tự động trong sân bay. Thẻ pasmo loại thường sẽ cần cọc 500yen, sau đó khi trả thẻ lại sẽ được hoàn 500yen đó. 

Cứ hết tiền trong thẻ thì bạn có thể ra máy tự động ở ga tàu hoặc cửa hàng tiện lợi nhét thêm tiền vào là dùng tiếp được.

Lời khuyên: Đổi tiền mặt ở Việt Nam mang sang Nhật > Đến sân bay mua thẻ IC rồi nạp khoảng 10000 yen vào dùng dần và càng về cuối chuyến thì tùy nhu cầu sử dụng mà nạp nhiều hay ít. Vẫn cần giữ tiền mặt dùng cho các quán ăn truyền thống và cửa hàng nhỏ ở tỉnh lẻ không có máy đọc IC nhé.   

LƯU Ý QUAN TRỌNG: Thẻ IC vốn sinh ra là để mua 1 lần giữ luôn chứ không phải để trả lại nên thủ tục trả lại nó hơi khó khăn :))) Cụ thể là thẻ pasmo chỉ có thể trả lại ở các máy Ở TOKYO nên nếu bạn đến Tokyo và về từ Osaka thì không có cách gì trả thẻ được :v Thế nên bạn mua loại IC nào thì nhớ kiểm tra trước thủ tục trả thẻ xem có khớp lịch trình về không. Còn thực ra thì cầm cái thẻ về làm kỷ niệm cũng khum sao đâu 😅

👜 Những thứ nên luôn luôn mang bên người khi ở Nhật:
➡️ Hộ chiếu: cần dùng khi đăng ký giữ ghế trên tàu siêu tốc và khi mua hàng miễn thuế

➡️ Ốp điện thoại có chỗ cài thẻ: Sang Nhật sẽ cần dùng vé tàu và thẻ IC rất nhiều lần trong ngày nên tốt nhất dùng ốp có chỗ cài thẻ để rút ra rút vào cho tiện. 

➡️ Dây đeo điện thoại: cần dùng điện thoại rất nhiều để tra đường và … chụp ảnh nên tốt nhất nên đeo luôn lên người. 

➡️ Sạc dự phòng dung lượng lớn: vì sẽ cần dùng điện thoại nhiều nên kiểu gì cũng cần sạc giữa ngày mà hàng quán ở Nhật thì gần như 100% không có ổ cắm điện nên ko có sạc dự phòng thì xác định giữa ngày hết pin điện thoại sẽ không còn đường về vì không có cái mà tra đường :))) 

➡️ Túi shopping gấp gọn: để bảo vệ môi trường thì phần lớn cửa hàng ở Nhật không auto cho túi nilon, thậm chí nếu muốn lấy túi thì cần trả thêm vài yen nên tốt nhất cầm theo túi shopping đi, vừa đựng được nhiều hơn túi nilon vừa đỡ tốn xiền mua túi. 

📌 Những điều nên biết trước khi đến Nhật: 
💡Cái gì mà có thể đặt trước được thì nên đặt trước ít nhất 1 tháng dù là vé tàu, vé vào cửa chỗ chơi, chỗ ăn, chỗ thuê kimono. 

Ví dụ: bảo tàng Ghibli cực hot, phải đặt vé trước 2 tháng mới có. Hoàng cung Nhật Bản thì còn khủng khiếp hơn, full chỗ từ cách 2-3 tháng. Các địa điểm hot đều hết vé sớm hoặc chỉ còn vé khung giờ xấu nên định đi đâu thì nên nghiên cứu trước xem chỗ đó có thể đặt trước vé hay không, nếu đặt được thì đặt luôn tránh tình huống muốn chơi mà đến nơi hết vé 😅 

💡Nếu mua vé JR pass, nhất là pass all thì một lợi ích rất rất đáng để tận dụng là ĐẶT GHẾ TRƯỚC (reserve seat). Trên các chuyến liên tỉnh của JR đều có các khoang reserved và khoang thường. Nếu các bạn không reserve chỗ thì các bạn sẽ phải ngồi khoang thường, thường sẽ đông hơn và khó chiếm được chỗ đẹp (vd gần cửa sổ). Còn nếu bạn reserve trước thì có thể chọn chỗ đẹp để ngắm cảnh hoặc ngồi cạnh nhau khi đi nhóm. Vé JR Pass All thì có thể reserve chỗ dễ dàng ở máy tự động ở các ga tàu còn vé JR khác thì phải reserve ở phòng vé, hỏi nhân viên bán vé nhé. 

💡LUÔN kiểm tra giờ mở cửa (opening hours) của các địa điểm muốn đi khi vẽ lịch trình, tránh trường hợp đến nơi thì chưng hửng vì chỗ đó hôm nay … đóng cửa. Các địa điểm thăm quan của Nhật đều có thể đóng cửa vào các ngày KHÁC NHAU nên nếu không kiểm tra trước thì rất có thể sẽ bị lố nha. Ví dụ: làng Cáo đóng cửa thứ 4 hàng tuần mà xếp lịch đi thứ 4 thì coi như công cốc :))) 

💡Google maps là công cụ chính để tìm đường. Google có thể báo chính xác được giờ tàu, tuyến và sân ga chờ (platform) đến từng phút. Tuy nhiên google không hoàn hảo, nó có thể gợi ý tuyến nhanh nhất nhưng chưa chắc đã tiện nhất. Ví dụ tuyến nhanh nhất thì phải đổi tàu nhiều còn tuyến tiện nhất dù có thể đi chậm hơn nhưng chỉ cần ngồi 1 tàu. 

Khi tra tàu bằng google maps có thể bấm vào options (góc phải) và loại bỏ bớt phương tiện không cần tra (bus, tàu trên cao, …) để google maps chỉ hiển thị tàu (rail) và tàu điện ngầm (subway) thì kết quả sẽ chính xác hơn. 

Lưu ý là Google không tra được là tàu nào nằm trong pass của bạn nên phải chú ý xem tàu hiện trên map có được cover trong vé pass hay không.

Ví dụ, các tuyến có ký hiệu chữ J ở đầu sẽ được bao trong vé JR Pass

Các tuyến có ký hiệu là 1 chữ cái trên nền trắng, bao trong 1 viền màu thì sẽ thuộc subway của Tokyo, được cover trong vé metro ngày, không được cover trong vé JR Pass. 

Nhìn chung tàu ở Nhật rất phức tạp, đi nhiều mới quen được. Tôi chỉ có thể cho bạn vài tips học lỏm được từ người đang sống ở Nhật như vậy chứ bản thân tôi cũng được chị bạn tôi dắt đi vì chị quen đi tàu chứ cho tôi tự tìm đường chắc cũng mất hút ở Nhật không về nổi VN 😅 

💡Ga tàu ở các thành phố lớn đều rất to và phức tạp nên khi lên lịch trình, luôn luôn để dôi thời gian cho việc tìm đường hoặc lỡ tàu. Nếu bạn thuộc team mù đường mù hướng thì chuyện lạc trong ga tàu là chuyện sẽ xảy ra :))) Hãy tập nhìn ký hiệu chỉ đường, bí quá thì dùng google translate hỏi đường người Nhật (nên chọn người trẻ và có vẻ ko quá vội) 

💡Người Nhật phần nhiều không giỏi tiếng Anh nhưng biết dùng app dịch nên tốt nhất găm sẵn google translate trên điện thoại để cần thì dùng.

💡Du lịch ở Nhật phần lớn là đi bộ và phương tiện công cộng. Đường xá ở Nhật được tối ưu cho việc đi bộ nên đi bộ khá thoải mái, hè rộng, ô tô thường nhường đường cho người đi bộ (chứ không như ở Việt Nam xe máy ô tô lúc nào cũng như kiểu muốn lao vào đâm người đi bộ 🙃 Cái vụ này tôi xin phép chấm âm điểm cho giao thông nước nhà và 100 điểm cho nước bạn). 

💡Người Nhật đi bên trái, ngược với Việt Nam còn khi đứng thang cuốn ở ga tàu thì mọi người sẽ đều đứng dạt sang 1 phía để nhỡ ai đang vội họ có thể vượt ở phía còn lại. Đứng dạt về bên nào thì thì tuỳ vùng. Ở Tokyo sẽ dạt bên trái còn Osaka dạt bên phải. 

💡Nếu muốn chụp ảnh không dính nhiều người thì nên chịu khó dậy sớm đi chơi (~7h sáng nếu chơi nội tỉnh, 6h sáng nếu đi tỉnh xa) . Thường đền chùa là các địa điểm mở sớm nhất còn các địa điểm chơi thì sẽ có ngày và giờ mở cửa cụ thể. 

💡Hàng quán ở Nhật mở cửa rất muộn nên đừng mơ mà 7-8h sáng ngồi ăn sáng uống cà phê như ở Việt Nam nhé. Người Nhật ăn sáng ở nhà hoặc mua đồ ở cửa hàng tiện lợi nên tầm giờ sớm đi chơi thì chỉ có mua đồ ăn ở cửa hàng tiện lợi thui. Hàng quán thường mở tầm 10-11h đổ đi nha. Xin visa mà viết 9h sáng đi cà phê ăn sáng thì tạch visa không oan đâu :))

💡Người Nhật có văn hoá xếp hàng rất nghiêm túc nên chuyện phải xếp hàng để chờ đến lượt vào quán ăn là rất bình thường nhất là các quán rì viu tốt trên google. Quán ăn Nhật phần nhiều bé chứ không có không gian to để ngồi cà kê đến đêm đâu á 😅

💡Thùng rác công cộng ở Nhật không nhiều và thường phân loại chuẩn. Hay gặp nhất là loại 1 bên là giấy và 1 bên là chai nhựa. Cốc dùng 1 lần được tính là rác thải không tái chế nên phải tìm thùng nào có ghi là rác thải chung chung thì mới được vứt. Vì thùng rác không nhiều nên bạn có thể đem theo 1 túi nilon nhỏ để nếu cần thì bỏ rác vào, chờ khi nào thấy thùng thì vứt. 

💡Mua đồ miễn thuế ở Nhật sẽ tính bill từ 5000y trở lên nên nhớ tính toán gộp đơn nếu cần để có lợi nhất nhé. 

💡Cửa hàng miễn thuế to đẹp hoành tráng thì giá thường cao hơn các cửa hàng nhỏ. Nhiều khi tiện chân bước vào một cửa hàng miễn thuế nhìn bình thường trên đường giá lại tốt hơn hẳn cửa hàng nằm ở phố chính. 

VD cùng là lọ thuốc mắt thì cửa hàng ở phố chính là 280y thì cửa hàng nhỏ có thể chỉ 180y 😅 

Ai còn câu hỏi gì có thể bình luận bên dưới. Nếu biết tôi sẽ trả lời ạ. 

#meoduky #dulichnhatban

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

POST ADS1

POST ADS 2