REVIEW CHUYẾN DU LỊCH SEOUL, BUSAN 6 NGÀY, 5 ĐÊM
Chào các bạn. Sau một thời gian tìm hiểu trên nhóm thì mình cũng hoàn thành được chuyến du lịch Seoul, Busan từ Hà Nội cho gia đình 4 người (2 vợ chồng và 2 bé). Rất cảm ơn các bạn đi trước đã có những bài review bổ ích. Mình xin review lại chuyến đi của gia đình mình để các bạn tham khảo.
I. Chuẩn bị:
1. Visa: Mình làm dịch vụ vì không có thời gian đi lại xin visa.
2. Vé máy bay: Mình đặt của Bamboo Airways. Đợt này đang mùa thấp điểm nên giá khá rẻ.
3. Khách sạn: 24guesthouse Myeongdong Town. Hostel này gần ngay ga tàu điện ngầm Hoehyeon Line 4, đi từ ga Seoul về chỉ một điểm, đi bộ sang khu Myeongdong khoảng 500m, gần chợ Namdaemun tiện ăn uống, sạch sẽ, lễ tân nhiệt tình. Chỉ có điều là phòng hơi bé và cách âm kém, tuy nhiên nếu chỉ để về ngủ thì ko vấn đề gì.
4. Đổi tiền: Mình đổi ở Hà Trung, các cửa hàng ở đây tỷ giá cũng tương đương nhau. Bên Hàn các hàng quán kể cả ở chợ họ cũng đều quẹt thẻ Visa/Master được nên ko nhất thiết phải đổi nhiều tiền mặt.
5. SIM điện thoại: Do mình cần duy trì liên lạc nên mình roaming và đăng ký gói data của Viettel, chủ yếu để tìm đường. Các địa điểm công cộng ở Seoul rất nhiều nơi có wifi nên cũng ko lo lắm. Nếu roaming thì cần xem trước trên website của nhà mạng xem gói dữ liệu họ liên kết với nhà mạng nào của Hàn Quốc, khi sang đến nơi phải chọn đúng nhà mạng đó, nếu để tự động chọn mạng thì có những mạng họ không liên kết thì sẽ không có dịch vụ data (chỉ có sóng roaming để nghe gọi).
Nếu các bạn cần sử dụng nhiều dung lượng thì phải mua SIM data Hàn Quốc.
6. Ổ cắm ở Hàn Quốc là loại ổ tròn, nếu dùng sạc Samsung thì vẫn vừa và không phải dùng đầu cắm chuyển đổi. Sạc Iphone thì mình ko dùng nên ko rõ lắm.
7. Nên mang theo thuốc thông thường (cảm cúm, ho,…) để dự phòng. Có thể mang theo sữa nước để trong hành lý ký gửi, mì tôm nếu cần.
8. Thủ tục nhập cảnh:
- Trên máy bay tiếp viên sẽ phát 3 tờ khai gồm tờ khai kiểm dịch, tờ khai nhập cảnh và tờ khai hàng hóa. Các bạn lưu ý mang bút theo để điền tờ khai. Đầu tiên sẽ nộp tờ khai kiểm dịch và đo thân nhiệt, tờ khai kiểm dịch mình điền tay luôn vì đằng nào cũng khai mấy tờ khai kia, nếu khai trước Q-code thì chỉ cần quét QR qua kiểm dịch và không phải viết tờ khai giấy. Sau đó sẽ nộp tờ khai nhập cảnh khi qua hải quan lăn tay, chụp ảnh. Cuối cùng là tờ khai hàng hóa, nếu có các hàng hóa đặc biệt thì mới phải khai, mình đi qua cũng không thấy ai hỏi gì và cũng không phải nộp, chỉ soi chiếu hành lý rồi qua.
- Lịch trình, booking khách sạn: Cái này thì qua hải quan mình cũng không thấy hỏi gì nhưng cũng đơn giản nên cứ chuẩn bị trước cũng được nếu họ hỏi thì mình show cho họ.
II. Phương tiện đi lại:
1. Từ sân bay Incheon về Ga Seoul:
Tàu Arex (express train - tàu màu cam) không dừng, đến thẳng Ga Seoul hết 45 phút. Nếu đi tàu dừng ở nhiều điểm (all stop train - tàu màu xanh) thì giá rẻ hơn nhưng đi hết hơn 1 tiếng.
Mình mua voucher trên Klook sẽ rẻ hơn chút (130.000/người) so với mua tại máy bán vé, sau đó khi nào nhập cảnh xong thì sẽ vào website airportrailroad.com để đặt vé bằng voucher Klook (nên đăng ký account để tiện tra cứu vé), sẽ được xuất vé QR code để quẹt qua cổng, không phải xếp hàng mua vé tại máy bán vé. Nếu các bạn muốn đổi vé cứng thì có thể nhập voucher Klook tại máy bán vé.
2. Từ Ga Seoul đi sân bay Incheon: Cũng đặt tương tự nhưng chiều về không phải phụ thuộc vào thủ tục nhập cảnh nên có thể mua trước để chủ động. Đường đi trong Ga Seoul khá lòng vòng nên cần đi sớm một chút để tránh bị muộn chuyến. Ngoài ra có thể check trước số quầy làm thủ tục và số cửa ra máy bay trên website của sân bay Incheon https://www.airport.kr/ap/en/index.do# để chủ động.
3. Tàu điện ngầm và xe bus:
- Tàu điện ngầm ở Seoul dày đặc nên rất tiện đi lại, chỉ có điều một số ga không có thang máy nên đi cầu thang bộ khá mỏi chân. Tàu điện ngầm ở Busan thì ít line hơn.
- Xe bus: Nên để ý xem bản đồ đường đi để không bị quá điểm dừng và căn để bấm nút Stop trước điểm xuống. Đi xe bus thì sẽ ngắm được đường phố và không phải lên xuống hầm.
- App Naver Map (bản tiếng Anh) để tìm đường: Phần mềm này chỉ đường rất chi tiết. Nếu dùng Google Maps thì không thể hiện được các đoạn đi bộ. Mình dùng cả 2 app để hỗ trợ nhau.
- App Kakao Metro để xem bản đồ tàu điện ngầm. App này chỉ thể hiện tàu điện ngầm (có cả Seoul và Busan).
- Thẻ Tmoney: Mua ở các cửa hàng tiện lợi đều có, giá 3.000W/thẻ. Mỗi chặng đi thông thường giá là 1.250W, nếu các bé đi thì giá 450W (khi mua thẻ bạn phải cho bé đi cùng để nhờ cửa hàng tiện lợi họ cài đặt thẻ cho bé riêng). Cài app Transit Card Balance để check số dư tiền trong thẻ.
Ngoài ra nếu điện thoại có chức năng NFC thì có thể cài app Korea Tour Card và sử dụng thẻ Tmoney trên điện thoại (không phải mua thẻ cứng) quét qua cổng tàu điện ngầm, xe bus, có thể chủ động nạp tiền hoặc refund nếu không dùng hết.
4. Từ Seoul Busan: Đi tàu KTX mua vé tại ga Seoul và ga Busan. Hoặc có thể mua trước trên website letskorail.com để chủ động, sau đó đến ga đổi ra vé cứng (hôm mình đến định đi thẳng xuống tàu thì có nhân viên hỏi và nói mình phải đổi sang vé cứng), cần mang theo thẻ Visa/Master đã dùng mua vé trên website để đưa họ check lại.
III. Lịch trình:
Ngày 1: Hà Nội – Incheon chuyến buổi sáng sớm, hạ cánh lúc hơn 9h, làm thủ tục nhập cảnh và về khách sạn. Buổi chiều đi dạo quanh khu Myeongdong.
Ngày 2: Đi các điểm cung Gyeongbokgung, Nhà Xanh, Làng cổ Hanok Bukchon.
Ngày 3: Sáng sớm từ Seoul đi Busan, mất khoảng 3 tiếng thời gian di chuyển đến ga Busan. Từ ga Busan đi tàu điện, xe bus đến bãi biển Gwangali (bãi biển này có cái cầu vượt biển check-in cũng khá đẹp), đi làng văn hóa Gamcheon. Buổi tối đi tàu về Seoul.
Ngày 4: Đi tháp Namsan, quảng trường Gwanghwamun, suối Cheonggyecheon.
Ngày 5: Đi mua sắm.
Ngày 6: Bay Incheon – Hà Nội.
IV. Mua sắm:
1. Mua sắm đồ đơn giản (hoa quả sấy, bánh kẹo, nước nhân sâm,…) thì mình mua ở Lotte Mart cạnh Ga Station có hoàn thuế trực tiếp trên hóa đơn. Siêu thị này nghỉ chủ nhật.
2. Nếu mua sâm cao cấp hơn có thể mua của hãng Cheong Kwang Jang (KGC) thì sau khi thanh toán ở Lotte Mart ra ngay bên ngoài quầy sẽ có cửa hàng của hãng.
3. Mỹ phẩm: Mua tại Olive Young hoàn thuế trực tiếp luôn trên hóa đơn (với số tiền hàng từ 30.000W-499.000W).
4. Thuốc bổ khớp và an cung ngưu hoàng hoàn: Mình mua tại hiệu thuốc ở gần chợ Namdaemun: 남시약국 (các bạn copy địa chỉ vào Naver Map nó sẽ hiện ra). Chỗ này mình không tìm hiểu trước mà tình cờ gặp được một bạn người Việt làm ở nhà hàng chỉ cho, giá ở đây ổn hơn so với các nơi khác.
5. Mua hoa quả: Mình mua ở chợ đầu mối Gyeongdong, giá cũng khá rẻ và nhiều loại nên dễ mua, ngoài ra chợ này có bán rất nhiều sâm.
V. Ăn uống:
1. Ăn sáng: Bên Hàn hàng quán họ mở cửa muộn nên nếu ăn sáng thì chỉ ăn ở cửa hàng tiện lợi, có mì tôm, cơm hộp, ăn tại cửa hàng luôn, họ có lò vi sóng, cây nước nóng, có bàn ghế cho mình ngồi ăn.
2. Ăn trưa và ăn tối: Nhà mình tiện đâu ăn đấy và trẻ con cũng ko hợp với đồ Hàn nên mình cũng ko tìm hiểu kỹ lắm. Khu Myeongdong và Namdaemun có nhiều hàng quán tiện ăn uống. Có 2 nhà hàng mình ăn thấy ổn:
- Thịt nướng Hong Bar ở Myeongdong: Buffet nướng/lẩu có thịt bò, thịt lợn, giá cả cũng phải chăng (17.900 W/suất, trẻ em thì rẻ hơn một chút).
- Nếu ăn đồ hàn ko hợp thì có thể đến Dongdaemun ăn nhà hàng Việt Nam Pho Hang (ga tàu điện ngầm Dongdaemun ngay cửa ra số 3 rẽ vào trong ngõ một tẹo là đến), nhà hàng này thì toàn người Việt đến ăn, chủ và nhân viên cũng là người Việt. Ngoài ra có hệ thống nhà hàng Việt Emoi cũng có nhiều cơ sở.
VI. Kinh phí
1. Visa: 8 triệu.
2. Vé máy bay: 18 triệu.
3. Khách sạn: 10 triệu.
4. Ăn uống: 8 triệu.
5. Tàu Arex và chi phí đi lại tàu điện ngầm, xe bus, taxi: 5 triệu.
6. Tàu KTX Seoul Busan và ngược lại: Gần 7 triệu.
7. Về chi phí mua sắm thì tùy vào nhu cầu mỗi người.
Hy vọng bài review sẽ giúp ích cho các bạn phần nào để có chuyến đi thuận lợi. Xin cảm ơn các bạn.