30 ngày vòng quanh châu Âu & Kinh nghiệm vác ba lô đi bụi
(Mình viết bài này trên trang cá nhân. Thấy nhiều bạn quan tâm và có những bạn nhắn tin cho mình cảm ơn nhiệt tình nên mình nghĩ nó cũng hữu ích với ai đó. Mình quyết định share lên đây. Học hỏi và tàu ngầm trên nhóm mình bao lâu nay. Cảm ơn admin dẫn dắt và cảm ơn các bạn trong nhóm đã cho mình khá nhiều kinh nghiệm hay và phần nào đó truyền cảm hứng cho các chuyến đi khám phá thế giới của mình).
Thử tưởng tượng là nhận lại tấm hộ chiếu trên tay với Visa Schengen có thời hạn 2 tháng nhưng thời gian lưu trú cho tổng có 30 ngày thì bạn sẽ làm gì? Mình nghĩ ngay ra challenge thử thách 30 ngày một mình đi được bao nhiêu nước châu Âu. Kết quả: mình đã đặt chân đến 16 quốc gia và 25 thành phố. Tổng là 7 chuyến bay, 1 chặng cruise đi du thuyền 4 ngày ở Bắc Âu và 12 chuyến tàu + buýt liên thành phố. Con số này nằm ngoài dự tính của mình. Lúc lên kế hoạch mình chỉ nghĩ đến 12 nước, về sau với lợi thế nền tảng thể lực của người chơi thể thao, mình càng đi càng vui và càng khoẻ nên khám phá được nhiều hơn.
Trước nay mình đi du lịch đâu là thường ở lâu lâu, ít cũng 3-4 ngày, hoặc cả tuần ở chơi một nơi. Nhưng lần này mình quyết định đi phượt, chả mấy khi mới có dịp solo travel và đi một mình. Hơn nữa, vì mình học Master ở London sắp xong và thẻ cư trú ở Anh sắp hết hạn nên Schengen Visa cho ngắn quá, trong khi list các nước muốn đặt chân đến thì dài, sức trẻ thì có, độ máu thì vô đối, mình quyết định làm gì khác lạ một chút. Tạo nên một năm chân có nhiều hoa hơn nữa. Trong 3 tháng đầu kể từ khi bước chân sang Luân Đôn du học mình đã đi khám phá được 12 thành phố lớn nhỏ ở UK. Sau gần một năm học, mình đã đặt chân đến thăm khoảng gần 30 nước ở 3 châu lục Âu - Mỹ - Phi. Mình rất vui!
Trong số các quốc gia mình đã đi dưới đây trong chuyến 30 ngày này thì điểm nhấn là các nước sau: Hy Lạp 4 đêm, Pháp 4 đêm, Đức 3 đêm, còn lại các nước khác hoặc các thành phố khác di chuyển khá nhanh do vị trí địa lý gần nhau và mình cũng chỉ có mục tiêu đi đến thành phố đó và đi dạo quanh trung tâm để thăm các điểm tham quan nổi bật. Mình rất thích cảm giác đứng quan sát, giơ em máy ảnh Sony lên, vặn ống ngắm nhắm vào cảnh và mọi người qua lại, rồi tách tách. Lần này sinh viên đi thăm dò, lần sau nhất định mình sẽ đi ác hơn và khám phá kĩ hơn.
- 1. Greece🇬🇷 (Athens, Corfu island, Santorini)
- 2. Italy🇮🇹 (Milan)
- 3. Switzerland🇨🇭(Gambarogno, Ascona)
- 4. Austria🇦🇹 (Bregenz, Feldkirch)
- 5. Liechtenstein🇱🇮 (Vaduz)
- 6. France🇫🇷 (Strasbourg, Paris)
- 7. Spain🇪🇸 (Sevilla, Madrid, Barcelona)
- 8. Poland🇵🇱 (Gdansk)
- 9. Sweden🇸🇪 (Stockholm)
- 10. Denmark🇩🇰 (Copenhagen)
- 11. Germany 🇩🇪 (Rostock, Berlin, Munich)
- 12. Czech Republic🇨🇿 (Prague)
- 13. Slovakia 🇸🇰 (Bratislava)
- 14. Hungary 🇭🇺 (Budapest)
- 15. Belgium🇧🇪 (Brussels)
- 16. Luxembourg🇱🇺 (Schengen village, Luxembourg city)
Không phải ai lang thang cũng là đi lạc. Với mình, du lịch chính là được sống, là tìm thấy nhiều đích đến. Đích đến của mình không phải chỉ là in dấu chân trên các vùng đất mới, mà là có những góc nhìn mới. Đi càng xa, mình càng thấy bản thân bé nhỏ giữa thế giới rộng lớn, nhưng mình càng cảm thấy tiến gần đến bản thân mình hơn. Chuyến phiêu lưu 30 ngày Châu Âu này thật đáng giá và mình học được rất nhiều:
⁃ Học được các văn hoá mới và củng cố vững chắc tình yêu với các ngoại ngữ (Anh, Pháp). Quyết tâm sẽ học thêm tiếng Tây Ban Nha trong tương lai. Đây là một ngôn ngữ nghe âm thanh nhanh rất thú vị kết hợp với nhạc TBN và Latin siêu cuốn. Vẫn nhớ hằn trong ký ức là vũ điệu Flamenco ở Sevilla và vũ điệu Bachata ở Mexico chuyến trước.
⁃ Học được lịch sử của các nơi mình đi qua với các góc nhìn riêng của mình. Ngày xưa không thích môn Lịch sử cho lắm mà học qua cách này quá là sướng luôn. Càng ngày càng thích tìm hiểu về Sử.
⁃ Học về thế giới đương thời, từ chính trị, bối cảnh kinh tế cho đến cấu trúc xã hội hiện nay. Đã hiểu vì sao các quốc gia có chính trị Trung lập lại giàu: Thuỵ Sĩ, Liechnstein, Áo. Các quốc gia Bắc Âu như Thuỵ Điển, Đan Mạch thì yên bình thịnh vượng.
⁃ Học về thế giới tự nhiên. Khi chủ động tìm về với thiên nhiên, khi bước đến những ngọn núi con sông, những cánh rừng đồng bằng kỳ vĩ, mình càng thấy sự thú vị và vẻ đẹp của chúng. Chỉ có bằng mắt thường mới cảm nhận rõ nhất vẻ đẹp đó, mà không phim ảnh nào có thể lột tả hết được.
⁃ Học làm các điều mới mẻ và các kĩ năng xã hội. Hàng loạt các kĩ năng sinh tồn (đi lạc đường ở Áo, vác ba lô 1 mình trong đêm vắng ở Slovakia, lấy lại được hành lý suýt bị mất ở Hungary), kĩ năng sống chung với những người lạ (ở các hostel), du lịch dạy ta những bài học giao tiếp khi ta phải trò chuyện với người lạ, hay xin được giúp đỡ trong những tình huống cần thiết. Nếu ta dũng cảm và có thể vượt qua mọi hiểm nguy thách thức trong hành trình của mình, liệu những khó khăn ngoài kia có còn gì đáng sợ?
⁃ Học cách độc lập. Sự độc lập là nền tảng cơ bản của giáo dục. Giống như học gì thì tự học là quan trọng nhất. Nếu giáo dục dạy ta thêm kiến thức thì du lịch sẽ dạy ta cách độc lập trong trí tuệ và tình cảm. Nếu muốn thay đổi môi trường sống và học cách chủ động quyết định cuộc đời, không người thầy nào tốt hơn ngoài những chuyến đi. Chúng ta phải nén mình vào môi trường độc lập khi đi đến một quốc gia mới, và càng phải độc lập hơn khi du lịch một mình. Chính ta là người phải đưa ra quyết định về những điều mình cần làm mà chả cần ai hỗ trợ hay nhắc nhở gì.
⁃ Học cách cảm thông với người khác. Qua nhiều vùng đất, nhiều màu da, nhiều sắc tộc, càng đi đến nhiều nơi và gặp gỡ nhiều người, ta sẽ nhận ra rằng, tất cả chúng ta đều có những niềm riêng sâu thẳm trong lòng, mặc cho chúng ta có là ai, đến từ đâu, bất kể dân tộc nào đi chăng nữa. Sự thấu hiểu và cảm thông là sợi dây thật đẹp có thể rút nối mọi khoảng cách giữa người với người. Những chuyến đi còn mang đến cho ta những người bạn tuyệt vời từ khắp năm châu. Và một ngày đẹp trời nào đó, ta sẽ cảm thấy nơi đâu cũng là nhà, và ta là một công dân toàn cầu thứ thiệt.
⁃ Học về chính mình. Vác ba lô lên không chỉ là cơ hội để ta khám phá thiên nhiên, đất nước, con người mà còn khám phá chính mình. Càng đi nhiều và va chạm cuộc sống, ta càng dễ dàng nhìn vào sâu bên trong bản thân, hiểu về tiềm năng của chính mình, về những điều ta thực sự thích và con người mà ta muốn trở thành. Khi đã sẵn sàng ba lô và xỏ giày bước đi, ta sẽ không chỉ băng qua bao ngọn núi con sông xa xôi, ta còn đi qua cả những giới hạn của chính mình, để tìm thấy mình.
—————
Dưới đây là một số cách để mình đi tự tin vác ba lô đi khắp châu Âu, tiết kiệm nhưng cũng nhiều trải nghiệm. Mình viết bài này cũng bởi đã từng nói sẽ viết 1 bài chia sẻ về hành trình 30 ngày đáng nhớ ấy, nhưng kể từ hôm về đến Luân Đôn là mình bận túi bụi, mải miết làm việc và làm bài. Vừa làm xong luận văn phát là mình mừng rơn, hoàn thành trước deadline 3 tuần, nhẹ cả người! Phải ngồi viết ngay, không là lại sắp đi chơi chuyến tiếp đến mông rồi.
1. Hành lý
Tối giản. Đi 30 ngày mà hành lý của mình rất gọn nhẹ với cặp balo mẹ con Osprey Fairview 55. Lý do chọn ba lô thì thứ nhất là vác ba lô thay vì mang vali kéo để linh hoạt di chuyển ở các địa hình. Các bạn Tây ba lô toàn chọn ba lô là vì thế. Thứ 2 vì mình đi chơi vào mùa hè, chủ yếu là quần áo mỏng nên cho vào ba lô ngon ơ. Vác ba lô hơi nặng tí nhưng mình coi đó là luyện tập sức khoẻ và sức bền để chuẩn bị cho các giải chạy ultra marathon hoặc các chuyến backpacking leo núi dài ngày. Tha hồ đi bộ. Đi chơi châu Âu thì xác định là đi bộ nhiều mới tận hưởng được nhiều ngõ ngách và cảnh đẹp.
2. Lên kế hoạch di chuyển
Ban đầu mình tính mua vé Eurail global pass là vé tàu có thể đi được hầu hết các nước châu Âu, thích thành phố nào thì nhảy lên xuống tàu với 1 cái thẻ. Tuy nhiên, do mình kết hợp đi du lịch và đến thăm bạn bè, người thân, học trò sống ở các thành phố khác nhau ở châu Âu, nên mình chọn tự đặt vé bay, vé tàu từng chặng cho tiện lợi. Mình dùng chủ yếu các app sau trên điện thoại:
- "Trip chấm com" và Opodo Prime để đặt vé máy bay, cùng 1 chặng check cả 2 bên xem app nào rẻ hơn thì mua. 2 bên này có các vé nhiều khi rẻ hơn trên web Skyscanner. Khi cài app Opodo để nâng lên Prime thì miễn phí trong 1 tháng đầu, nhưng nhớ hẹn giờ để huỷ gói prime trong vòng 30 ngày không là một buổi sáng đẹp trời bị trừ hơn 60 bảng/1 năm membership như mình.
- Trainline để đặt vé tàu và vé bus đi khắp châu Âu. Lúc đầu mình có cài thêm Omio nữa, nhưng so sánh giá thì Trainline vẫn rẻ hơn Omio chút nên mình toàn dùng Trainline.
Khi lên lộ trình chuyến đi thì anh em nhớ check giá vé máy bay để lên lộ trình cho phù hợp. Đi lại ở châu Âu khá rẻ, có những chuyến bay giá chỉ khoảng gần 20 bảng Anh, 500-600k (Mình quen tiêu bằng bảng Anh và dùng tài khoản ngân hàng UK nên các app toàn tính tiền bảng). Tuy nhiên phải check từng thành phố xem lộ trình nào giá hợp lý hơn thì đi. Ví dụ mình muốn bay từ Athens, Hy Lạp sang Gambarogno, Thuỵ Sĩ. Có 2 sân bay gần đó là Zurich và Milan nhưng giá khác hẳn nhau. Giá chặng Athens - Zurich đắt gấp 4 lần Athens - Milan. Thế nên đương nhiên mình sẽ bay sang Milan để khám phá thêm 1 thành phố nữa của nước Ý với giá hơn 30 bảng.
Khi bay có thể có các chuyến transit dài dài đến một thành phố mới và vé rẻ thì cũng nên thử. Như mình bay từ Barcelona lên Stockholm có transit hơn 20h qua Gdansk, Ba Lan. Vậy là đến sân bay Ba Lan phát, mình di chuyển vào trung tâm thành phố ngay, chơi ở đó cả buổi trưa, chiều, tối, ngủ lại ở Ba Lan và sáng hôm sau lại lên đường ra sân bay bay tiếp. Chuyến transit ngắn mà không ngờ là mình thấy thú vị, Gdansk đẹp đến lạ. Rất ấn tượng với lần transit này.
Mình đi chơi dài ngày nên hạn chế và gần như không bay đêm, đi tàu đêm để còn giữ sức khỏe và ngủ cho ngon. Nếu bạn nào đi ngắn ngày có thể chọn các chuyến đi đêm, vừa giá rẻ vừa tiết kiệm tiền khách sạn. Kiểu sau một đêm ngủ trên tàu là sáng ra đã đến thành phố cần đến.
3. Thẻ ngân hàng
Giờ đi châu Âu tiện vô cùng, đa phần các nước đều dùng thẻ credit hoặc debit quốc tế thanh toán được hết (trừ Đức mình thấy lạ là sao ở đây nhiều nhà hàng và dịch vụ yêu cầu trả tiền mặt). Nên mang 2 cái thẻ ngân hàng đi đề phòng dùng khi cần và nhớ là nhớ pass. Mình dùng thẻ chính là Chase bank của Mỹ, thanh toán không mất phí ngoại tệ, lại có cashback, tiện lợi đủ đường. Nếu đổi tiền Euro ở UK thì đổi ở Post office là tỉ giá tốt nhất. Không dại gì ra sân bay đổi, mình đã thử hỏi ở sân bay và so sánh giá, suýt ngất.
4. Ở đâu
Mình chuyên book nơi ở/hotel trên app Booking. Giờ mình là thành viên xịn luôn của Booking vì đi quá nhiều. Cũng có thể đặt ở Airbnb, tuy nhiên mình ít chọn hơn. Có 2 nơi là mình ở hotel một mình 1 phòng sang chảnh là ở Santorini, Hy Lạp và Feldkirch, Áo. Nhưng mình phát hiện ra là ở 1 mình một phòng mà gặp phải cái nhà gỗ cổ như ở Áo đẹp thì đẹp thật mà tối ngủ sợ sợ là. Nên đa phần mình ở hostel với các bạn quốc tế, phòng 4-8 người, giường tầng, vừa vui, vừa rẻ cho đúng chất sinh viên. Giá tầm khoảng 16-70 euro/giường/đêm tuỳ từng thành phố. Ở thủ đô Brussels Bỉ mình kết thân với các bạn trong phòng và đi chơi với nhau khám phá quanh Brussels. Vui cực vui.
5. Ăn gì
Mình đi đâu địa phương có món gì thì ăn nấy. Dễ tính, món gì cũng thử. Lúc ở Luxembourg có mấy đứa người Mỹ, Séc, Thuỵ Điển và mình, ngồi bên cửa sổ ở hostel chém gió với nhau cả buổi nói về đi chơi ăn uống. Có mấy em vừa học hết cấp 3, đang dành thời gian gap year đi du lịch dài ngày, các bạn ấy nói cách để ăn tiết kiệm mà vẫn đảm bảo được sức khoẻ để đi chơi, ăn đủ rau xanh, đủ chất là chọn hostel có bếp rồi tự đi siêu thị mua đồ local nấu ăn. Công nhận đồ ăn ở siêu thị Châu Âu thì rẻ mà đi ăn hàng thì siêu đắt. Nên với tip này các em ấy tiết kiệm được kha khá tiền để vác ba lô đi liền 3-4 tháng 1 lần luôn. Mình thì đi một mình nên tiện gì ăn nấy cho nhanh.
6.Chơi gì
Mình thường tranh thủ những lúc rảnh giữa các hành trình để tìm hiểu về các điểm đến mới qua cách sau:
- Nhìn thấy nhanh nhất list các điểm du lịch nổi bật thì là Tiktok: Gõ tên thành phố + things to do. Ví dụ: "Milan things to do" là ra các video siêu ngắn và tên các địa điểm, mì ăn liền luôn
-Youtube, web. Mình cũng hay search. Đọc kĩ các thông tin trước khi đi chơi cũng giúp cho chuyến khám phá nơi đó thú vị hơn.
-Google maps, chọn phần "attractions" là ra ngay các địa điểm tham quan gần với chỗ mình đang đứng hiện tại nhất. Tha hồ bước đi, chén từng em một từ gần đến xa.
-Đến các thành phố thì hay có City walking tour miễn phí. Chỉ cần search Google là ra và đặt lịch. Có người làm tourguide giới thiệu về các địa điểm nên ta thường có thêm nhiều thông tin hay. Cuối giờ tour thì tip cho anh tourguide nhiệt tình ấy mấy đồng tuỳ tâm.
7. Locker để đồ
Cái này mình để 1 mục riêng vì quá hay. Đi chuyến này mình mới phát hiện ra là ở nhiều ga tàu ở các thành phố Châu Âu có cho thuê locker để đồ. Với những nơi mà mình đến thăm có vài tiếng rồi lại lên tàu đi tiếp thì giải pháp này quá tiện. Ở Châu Âu, các thành phố ngay sát nhau, nhu cầu của quá nhiều người hay đi như này nên các locker mới nhiều vậy. Giá khoảng 2 euro - 6 euro trong khoảng 1h-12h-24h. Đến ga tàu anh em nhớ hỏi nhân viên nào đó xem có locker ở đâu và vào đó gửi vali to/balo to, còn lại cái ba lô nhỏ xíu gọn nhẹ là ta là lá la thoải mái đi bộ khắp phố.
8. Chi phí
Mình chỉ thống kê ghi chép 1 số chi phí sau:
- Chi phí vé máy bay, tàu xe, bus Flixbus các kiểu trong 30 ngày, đi 16 nước tẹt ga mà có 1.072 bảng Anh. Cỡ hơn 30 triệu. Đấy là mình đi vào mùa hè, mùa cao điểm nên giá cũng cao hơn. Nếu mọi người đi mùa xuân đầu hè tầm tháng 3-5 thì đỡ đông và rẻ hơn.
- Chi phí đi cruise Bắc Âu 4 ngày 3 đêm qua Thụy Điển, Đan Mạch và Đức, 1 ngày at sea là 390 bảng, cỡ gần 12 triệu.
Còn lại thì mình cứ đi và tiêu thôi, đương nhiên tiêu tiết kiệm một cách hợp lý. Không tính làm gì cho hại não.
Nếu search Google các bạn sẽ thấy có những bạn chia sẻ là đi châu Âu 25 ngày hết khoảng 80tr, có những người lại bảo hết 100-150 triệu.
Nói chung giá nào cũng có tuỳ vào độ ăn chơi và túi tiền. Mình đi thì tốn nhiều vào ăn uống và mua vé đi chơi trải nghiệm, đã đến nơi rồi thì ăn chơi thôi, mấy khi có dịp được đến đó.
9. Một số web hữu ích:
- Đi du thuyền thì mình hay xem ở web Worldcruises, rất nhiều chuyến cruise với đa dạng các mức giá. Nếu ai chưa trải nghiệm du thuyền xuyên đại dương thì nhất định nên đi, mình rất thích! Thế nên chuyến tới đi Mỹ lại chọn 1 chuyến cruise tiếp, lần này đi cruise dài 12 ngày cho bõ.
- Nếu các bạn đi du lịch từ Việt Nam sang châu Âu thì tham khảo thêm các bài viết trên blog Maifootsteps hoặc Chibikiu, cũng thêm nhiều góc nhìn và thông tin hữu ích. Chị bạn mình lên chuyến đi châu Âu tự túc 1 tháng cho cả nhà mà lên kế hoạch và ngâm cứu video Youtube các kiểu về điểm đến suốt cả năm. Lúc đi cả nhà đi xông xáo tự tin và vui lắm. Ngâm cứu, xin visa, bỏ lợn và lên đường.
BLV Hải Thanh Story có nhiều video phân tích về các nước và du lịch khá thú vị trên Youtube.
Chốt lại:
Nếu cuộc sống thường ngày cuốn bạn đi với bao bộn bề lo toan thì vác ba lô lên đường là lúc để bạn sống chậm, nghĩ nhiều hơn về những mong muốn, hoài bão của bản thân và hiểu rõ hơn về những gì khiến mình thực sự vui. Nếu bạn thật sự chưa biết phải làm gì với cuộc sống hiện tại, cũng không biết mơ ước gì cho tương lai, hãy đi du lịch! Nếu bạn biết rồi và mơ gì rõ rồi thì cũng hãy xách ba lô lên và đi. Bạn sẽ tìm thấy câu trả lời cho mình, tìm thấy chính bản thân mình và có nhiều ý tưởng mới.
#europetravel #backpacking #30daychallenge
#traveltips #solotravel #yolo