Tìm hiểu lịch sử Việt: ĐẾN HUẾ BÁI KIẾN NHÀ VUA

ĐẾN HUẾ BÁI KIẾN NHÀ VUA 

Ít nơi nào có nhiều lăng các vị vua như ở Huế, đây đều là những công trình kiến trúc cổ xưa tuyệt đẹp, có giá trị nghệ thuật cao.

Lăng Tự Đức là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc thời Nguyễn. Ông vua thi sĩ Tự Đức (1848-1883) đã chọn cho mình một nơi yên nghỉ xứng đáng với ngôi vị của mình, phù hợp với sở thích và nguyện vọng của con người có học vấn uyên thâm và lãng tử bậc nhất trong hàng vua chúa nhà Nguyễn.

Với 36 năm trị vì, Tự Đức là ông vua tại vị lâu nhất trong số 13 vua nhà Nguyễn. Bố cục khu lăng gồm 2 phần chính, bố trí trên 2 trục dọc song song với nhau, cùng lấy núi Giáng Khiêm ở phía trước làm tiền án, núi Dương Xuân làm hậu chẩm, hồ Lưu Khiêm làm yếu tố minh đường.

Toàn cảnh lăng Tự Đức như một công viên rộng lớn. Ở đó quanh năm có suối chảy, thông reo, muôn chim ca hát. Yếu tố được tôn trọng triệt để trong lăng Tự Đức là sự hài hòa của đường nét. Không có những con đường thẳng tắp, đầy góc cạnh như các kiến trúc khác, thay vào đó là con đường lát gạch Bát Tràng bắt đầu từ cửa Vụ Khiêm đi qua trước Khiêm Cung Môn rồi uốn lượn quanh co ở phía trước lăng mộ và đột ngột khuất vào những hàng cây sứ đại thụ ở gần lăng Hoàng hậu Lệ Thiên Anh.

Sự sáng tạo của con người hài hòa với cảnh quan tự nhiên tạo nên một khung cảnh thơ mộng, diễm lệ. Trong cái quyến rũ của mây nước, hương hoa đó, người ta như quên đi rằng đó là lăng tẩm của một người quá cố mà ngỡ là thiên đường của cỏ cây, của thi ca và mộng tưởng...

Gần 50 công trình trong lăng ở cả hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ Khiêm trong tên gọi. Qua khỏi cửa Vụ Khiêm và miếu thờ Sơn Thần, du khách đi trên con đường chính dẫn vào khu vực điện thờ, nơi trước đây là chỗ nghỉ ngơi, giải trí của vua. Thoạt tiên là Chí Khiêm Đường ở phía trái, nơi thờ các bà vợ vua. Tiếp đến là 3 dãy tam cấp bằng đá Thanh dẫn vào Khiêm Cung Môn - một công trình hai tầng dạng vọng lâu như một thế đối đầu tiên với hồ Lưu Khiêm ở đằng trước.

Hồ Lưu Khiêm nguyên là một con suối nhỏ chảy trong khu vực lăng, được đào rộng thành hồ. Đó là yếu tố "minh đường" để "tụ thủy", "tích phúc", đồng thời là nơi để thả hoa sen tạo cảnh. Giữa hồ có đảo Tịnh Khiêm với những mảnh đất trồng hoa và những hang nhỏ để nuôi thú hiếm. Trên hồ Lưu Khiêm có Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ, nơi nhà vua đến ngắm hoa, làm thơ, đọc sách...

Ba cây cầu Tuần Khiêm, Tiễn Khiêm và Do Khiêm bắt qua hồ dẫn người ta đến đồi thông bạt ngàn và đảo xanh ngát hương cỏ hoa, như đưa họ sang thế giới thần tiên, mộng ảo ngay giữa chốn đời thường.

Bên trong Khiêm Cung Môn là khu vực dành cho vua nghỉ ngơi mỗi khi đến đây. Chính giữa là điện Hòa Khiêm để vua làm việc, nay là nơi thờ cúng bài vị của vua và Hoàng hậu. Hai bên tả, hữu là Pháp Khiêm Vu và Lễ Khiêm Vu dành cho các quan văn võ theo hầu.

Đặc biệt, phía trái điện Lương Khiêm có nhà hát Minh Khiêm để nhà vua xem hát, được coi là một trong những nhà hát cổ nhất của Việt Nam hiện còn. Có một hành lang từ điện Ôn Khiêm dẫn ra Trì Khiêm Viện và Y Khiêm Viện là chỗ ở của các cung phi theo hầu nhà vua, ngay cả khi vua còn sống cũng như khi vua đã chết.

Lăng Minh Mạng (Hiếu Lăng): Tháng 2 năm 1820 vua Gia Long băng hà, hoàng tử thứ tư là Nguyễn Phúc Đảm được đưa lên ngai vàng, lấy niên hiệu là Minh Mạng. Vua Minh Mạng là người có nhiều đóng góp đối với công việc mở mang đất nước, đưa nước Đại Nam lên hàng mạnh nhất trong các quốc gia Đông Nam Á lúc bấy giờ.

Làm vua được 7 năm, Minh Mạng cho người đi tìm đất để xây dựng Sơn lăng cho mình. Quan Địa lý Lê Văn Đức đã chọn được một cuộc đất tốt ở địa phận núi Cẩm Kê, gần ngã ba Bằng Lãng, nơi hợp lưu của hai nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch để tạo thành con sông Hương thơ mộng. Nhưng phải ròng rã 14 năm cân nhắc, chọn lựa, đến năm 1840, nhà vua mới quyết định cho xây dựng lăng tẩm của mình ở nơi này. Nhà vua cho đổi tên núi Cẩm Kê (thuộc ấp An Bằng, huyện Hương Trà) thành Hiếu Sơn và gọi tên lăng là Hiếu Lăng.

Ngày 20 tháng 8 năm 1841, thi hài vua Minh Mạng được đưa vào chôn ở Bửu Thành, nhưng công việc xây lăng mãi đến đầu năm 1843 mới hoàn tất. Từ một vùng núi đồi hoang vu, qua bàn tay lao động và óc sáng tạo của con người đã hình thành một khu lăng tẩm uy nghiêm, vừa rực rỡ về kiến trúc, vừa hài hòa với thiên nhiên lại vừa sâu sắc bởi giá trị tư tưởng.

Trong khoảng diện tích được giới hạn bởi vòng La thành dài 1.750m là một quần thể kiến trúc gồm cung điện, lâu đài, đình tạ được bố trí đăng đối trên một trục dọc theo đường Thần đạo dài 700m, bắt đầu từ Đại Hồng Môn đến chân La thành sau mộ vua. Hình thể lăng tựa dáng một người nằm nghỉ trong tư thế vô cùng thoải mái, đầu gối lên núi Kim Phụng, chân duỗi ra ngã ba sông ở trước mặt, hai nửa hồ Trừng Minh như đôi cánh tay buông xuôi tự nhiên.

Lăng Khải Định (Ứng Lăng): Vua Khải Định (1916-1925) là vị vua thứ 12 của triều Nguyễn và là người cuối cùng xây dựng lăng tẩm. Bước lên ngai vàng vào giữa tuổi 31, vua Khải Định say sưa với việc xây dựng cung điện, dinh thự, lăng tẩm cho bản thân và hoàng tộc như điện Kiến Trung, cung An Định, cửa Trường An, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức, đặc biệt là Ứng Lăng. Những công trình này làm hao tổn nhiều nhân lực, của cải của binh dân, song đó cũng là những công trình có giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.

Sau khi tham khảo nhiều tấu trình của các thầy Địa, vua Khải Định chọn triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê) làm vị trí để xây cất lăng mộ. Tọa lạc tại vị trí này, lăng Khải Định lấy một quả đồi thấp ở phía trước làm tiền án; lấy núi Chóp Vung và Kim Sơn chầu trước mặt làm "Tả thanh long" và "Hữu bạch hổ"; có khe Châu Ê chảy từ trái qua phải làm "thủy tụ", gọi là "minh đường". Nhà vua đổi tên núi Châu Chữ - vừa là hậu chẩm, vừa là "mặt bằng" của lăng - thành Ứng Sơn và gọi tên lăng theo tên núi: Ứng Lăng.

Lăng Gia Long (Thiên Thọ Lăng): Tên gọi lăng Gia Long hiện nay thực ra là để chỉ cả một quần thể lăng tẩm của nhiều người trong hàng quyến thuộc của nhà vua, với trọng địa là khu lăng mộ của vua Gia Long và bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu.

Quá trình xây dựng lăng diễn ra trong 6 năm (1814-1820), bắt đầu từ thời điểm bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu (chính phi của vua Gia Long) qua đời vào ngày 21-2-1814. Nhà vua đã sai các quan trong Khâm Thiên Giám đi chọn đất để mai táng vợ mình. Về sau phát triển thành một khu lăng mộ rộng lớn.

Toàn bộ khu lăng này là một quần sơn với 42 đồi núi lớn nhỏ có tên gọi riêng, trong đó Đại Thiên Thọ là ngọn lớn nhất được chọn làm tiền án của lăng và được dùng để gọi tên chung cho cả quần sơn này: Thiên Thọ Sơn. Tất cả đều được quy hoạch trong khu vực quan phòng rộng hơn 28 km2, tạo thành một cảnh quan hùng tráng chạy dài từ chân dãy Trường Sơn đến bờ Tả Trạch - một hợp lưu của Hương Giang.

Đích thân vua Gia Long đã thám sát, duyệt định vị trí, quy hoạch và chỉ đạo công tác thiết kế cũng như giám sát tiến độ thi công. Sử cũ cho hay, thầy Địa lý Lê Duy Thanh (con trai nhà bác học Lê Quý Đôn) là người tìm được thế đất này, nơi mà theo ông "đã tập trung được mọi ảnh hưởng tốt lành tỏa ra từ nhiều núi đồi bao quanh", nơi mà "ảnh hưởng tốt lành sẽ còn mãi mãi trong suốt 10 ngàn năm" (theo L. Cadière).

Lăng Ðồng Khánh (Tư Lăng): Tọa lạc giữa một vùng quê tĩnh mịch thuộc làng Cư Sĩ, xã Dương Xuân ngày trước (nay là thôn Thượng Hai, xã Thủy Xuân, thành phố Huế).

Vị vua này yên nghỉ giữa một vị thế nồng ấm tình cảm gia đình. Xung quanh ông là lăng mộ của bà con quyến thuộc: lăng Tự Ðức (bác ruột và là cha nuôi), lăng Kiên Thái Vương (cha ruột), lăng bà Từ Cung (con dâu), lăng bà Thánh Cung (vợ). Xa hơn là lăng Tá Thiên Nhân Hoàng hậu (bà cố nội), lăng Thiệu Trị (ông nội)... Âu đó cũng là sự bù đắp cho vị vua kém may mắn này.

Ðồng Khánh làm vua được ba năm thì băng hà vào giữa tuổi 25. Nhà vua không ngờ mình chết sớm như vậy nên chưa hề lo nghĩ đến sinh phần mai sau của mình. Lăng Ðồng Khánh hiện hữu, thực chất là nơi vua Ðồng Khánh tá túc vĩnh viễn trong điện thờ thân phụ của ông. Sự ra đời của khu lăng tẩm này khá nhiều trắc trở.

Sau khi lên ngôi, vua Ðồng Khánh thấy lăng mộ của cha mình ở Cư Sĩ chưa có điện thờ nên sai Bộ Công dựng điện Truy Tư cạnh đó để thờ cha. Ðiện Truy Tư khởi công vào tháng 2 năm 1888, đến tháng 10 năm đó hoàn tất về căn bản. Ðồng Khánh rước bài vị của Kiên Thái Vương về thờ trong điện, đồng thời tiếp tục hoàn chỉnh công trình. Thế nhưng, trong khi công việc kiến trúc đang tiếp tục thì Ðồng Khánh mắc bệnh và đột ngột qua đời.

Vua Thành Thái (1889-1907) kế vị trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, kinh tế suy kiệt nên không thể xây cất lăng tẩm quy củ cho vua tiền nhiệm, đành lấy điện Truy Tư đổi làm Ngưng Hy để thờ vua Ðồng Khánh. Thi hài nhà vua cũng được an táng đơn giản trên quả đồi có tên là Hộ Thuận Sơn, cách điện Ngưng Hy 30m về phía Tây. Toàn bộ khu lăng tẩm được gọi tên là Tư Lăng.

Tháng 8 năm 1916, sau khi lên ngôi được 3 tháng, vua Khải Ðịnh (1916-1925), con trai vua Ðồng Khánh đã tu sửa điện thờ và xây cất lăng mộ cho cha mình. Toàn bộ khu lăng mộ từ Bái Ðình, Bi Ðình đến Bửu Thành và Huyền Cung đều được kiến thiết dưới thời Khải Ðịnh, đến tháng 7-1917 mới hoàn thành. Riêng điện Ngưng Hy cùng Tả, Hữu Tùng Viện; Tả, Hữu Tùng Tự tiếp tục được tu sửa cho đến năm 1923./.#HD

Tác giả: Kỳ Phong
Nguồn: Tạp chí Du lịch TP Hồ Chí Minh

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

POST ADS1

POST ADS 2