Tản Mạn Về Malaysia và Review Kuala Lumpur, Malacca
Thực sự thì miền đất đa sắc tộc này không để lại nhiều ấn tượng, nhiều xúc cảm trong tôi. Nhưng để đi nhiều và đi xa hơn thì có lẽ trong tương lai tôi sẽ còn nhiều chuyến ghé thăm Kuala Lumpur, sẽ còn nhiều lần ngắm hoàng hôn tại sân bay KLIA2. Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì hãng hàng không giá rẻ Air Asia có trụ sở chính tại Kuala Lumpur.
Phần 1. Tản Mạn Về Malaysia
(Dựa trên cuốn "Ta Balo Trên Đất Á của tác giả Rosie Nguyễn cùng với những trải nghiệm thực tế của mình)
Là một quốc gia phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Cũng giống như Singapore, Malaysia là sự giao thoa giữa nhiều tộc người, người Mã Lai, người gốc Hoa và người Tamil. Người Mã Lai mà tôi nhắc đến là một tộc người sinh sống phổ biến ở Đông Nam Á, khác với cách gọi người Malaysia dùng để chỉ người dân mang quốc tịch này.
Là một đất nước chưa có nhiều bề dày lịch sử hay cũng có thể coi đây là một quốc gia còn non trẻ. Được thành lập vào ngày 16/09/1963. Tuy vậy dấu tích về cư dân tiền sử đầu tiên ở bán đảo Mã Lai đã có khoảng 40.000 năm trước. Những tộc người này ban đầu sống rải rác ở ven biển sau đó tiến sâu vào đất liền.
Lãnh thổ Malaysia có tổng diện tích xấp xỉ 330.000 km2 tương đương diện tích Việt Nam. Lãnh thổ quốc gia này gồm 2 phần tách rời. Một phần nằm bên bán đảo Mã Lai (là phần lãnh thổ mà lữ khách quốc tế thường ghé thăm với những điểm đến nổi tiếng như Kuala Lumpur, Malacca, Penang, Langkawi...), và một phần lãnh thổ phía bắc đảo Borneo được bao phủ bởi rừng rậm chung biên giới với Indonesia và Brunei (phần lãnh thổ này sở hữu đỉnh núi Kinabalu cao hơn 4000m, được mệnh danh là nóc nhà của Đông Nam Á, cùng với đó là đô thị phồn thịnh của bang Sarawak - thành phố mèo Kuching..).
Sở hữu vùng eo biển chiến lược, cùng với sự xây dựng phát triển của những vị vua đến từ đảo Sumatra, Malacca nhanh chóng trở thành một đô thị phồn hoa, một cảng biển nhộn nhịp bậc nhất khu vực. Sự giàu có, hoa lệ của Malacca đã thu hút nhiều nhà thám hiểm châu Âu. Vào giữa thế kỷ 16, Malacca trở thành thuộc địa của người Bồ Đào Nha. Tiếp sau đó, vào thế kỷ 17 người Hà Lan vào thế chỗ. Tuy nhiên với chế độ cai trị hà khắc, kìm hãm của người Bồ Đào Nha lẫn người Hà Lan, Malacca chưa phát huy tối đa được những tiềm năng.
Bán đảo Mã Lai chỉ thực sự chuyển mình khi đế quốc Anh đặt chân tới vào cuối thế kỷ 18. Bằng những chính sách đúng đắn, những nước đi khôn ngoan, người Anh đã có được Malacca vào năm 1824 cùng với những vị trí giao thương quan trọng trong vùng lãnh thổ. Năm 1826, người Anh kết hợp Penang, Singapire và Malacca vào chung một khu định cư Eo Biển. Chính sự kết hợp này đã tạo thuận lợi cho giao lưu thương mại giữa nhiều quốc gia trong khu vực, kết nối với biển Đông.
Nền kinh tế của bán đảo Mã Lai chuyển mình mạnh mẽ dưới sự kiểm soát của chính quyền Anh quốc. Họ chú trọng vào khai thác mỏ và hoạt động nông nghiệp. Nhằm phục vụ cho việc vận chuyển thiếc và cao su về châu Âu, người Anh cho xây dựng hệ thống giao thông, liên lạc khá chỉn chu và bài bản. Cơ chế điều hành của người Anh cũng không quá hà khắc, họ cho phép thuộc địa được phát triển ở mức vừa phải, chứ không kìm hãm như Bồ Đào Nha và Hà Lan. Mặc dù phần đông trong tộc người Mã Lai phần lớn là dân nghèo, làm công việc nông nghiệp, ngư nghiệp nhưng vẫn có một bộ phận người bản địa được chính phủ Anh đào tạo để giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền.
Những diễn biến tôi vừa kể chỉ mới dừng lại ở bán đảo Mã Lai, phần nửa lãnh thổ của Malaysia.
Cùng thời điểm đó, tại đảo Borneo phía bên kia mặt biển lại đang diễn ra một câu chuyện khác. Và cũng chính từ câu chuyện này đã lý giải vì sao lãnh thổ Malaysia ngày nay lại có hai phần tách rời.
Trước thế kỷ 19, hầu hết vùng đất ven biển phía Bắc đảo Berneo thuộc sự cai quản của các tiểu vương Brunei. Vùng đất này thường xuyên bị quấy phá bởi cướp biển và những nhóm thổ dân lân cận. Năm 1838 tàu chiến của nhà thám hiểm James Brooke người Anh cập bến đảo Borneo. Ông chấp nhận lời để nghị giúp tiểu vương Brunei dẹp yên các cuộc nổi loạn với điều kiện ông được nhượng quyền quản lý một phần lãnh thổ tại đảo Borneo. Sau khi dẹp loạn, James Brooke đóng đô tại Kuching (thủ đô của bang Sarawak - Malaysia ngày nay). Với sự nỗ lực của James Brooke cùng với những thế hệ con cháu của ông, lãnh thổ liên tục được mua thêm đất và mở rộng. Sau khoảng một trăm năm cai trị, dòng dõi nhà Brooke đã quyết định trao tặng lại cho chính phủ Anh để làm thuộc địa. Vậy là đế quốc Anh đã có trong tay một phần bán đảo Mã Lai và một phần đảo Borneo.
Đầu thế kỷ 20, người Anh thay thế người Thái cai trị các phần lãnh thổ phía Bắc bán đảo Mã Lai thông qua hiệp ước nhượng quyền đã được người Thái chấp thuận và ký kết. Vậy là toàn phần bán đảo Mã Lai và phía Tây Bắc đảo Berneo đã thuộc về tay người Anh.
Thế chiến thứ II nổ ra, người Nhật thế chân người Anh cai quản bán đảo Mã Lai, Bắc Borneo. Tuy nhiên với sự phức tạp, đa sắc tộc của vùng đất này thì Nhật chưa thể đưa ra được chính sách cai trị phù hợp cho vùng đất này. Chiến tranh kết thúc, Nhật bại trận và rút khỏi. Người Anh lại nhảy vào tiếp quản trở lại, thành lập một lãnh thổ thống nhất mang tên là Liên Hiệp Malaya. Từ năm 1955, Anh quyết định trao trả độc lập cho Malaya. Sau hàng loạt các tranh luận, cân nhắc thì năm 1963 Liên Bang Malaysia ra đời, gồm bán đảo Mã Lai, Singapore và phần lãnh thổ phía bắc đảo Borneo. Chính phủ Malaysia dành khá nhiều đặc quyền cho người tộc người Mã Lai đang sinh sống trên lãnh thổ Singapore, tuy nhiên phần lớn dân số của Singapore chủ yếu là người gốc Hoa nên họ cũng không mặn mà, thiết tha với những chính sách thiên vị này và cũng một phần chính phủ Mã Lai lo sợ Singapore sẽ lấn lướt quyền lực nên hai bên nhanh chóng nảy sinh mâu thuẫn và hai năm sau đó, Singapore tách ra khỏi Liên Bang và trở thành quốc gia riêng biệt.
Sự giao thoa, hợp nhất giữa những tộc người cùng sinh sống trên vùng lãnh thổ này được lý giải từ câu chuyện nửa cuối thế kỷ 19. Các khu định cư Eo Biển đã tạo sức hút rất lớn đối với những thương nhân người Hoa. Họ tới bán đảo Mã Lai để tìm kiếm những cơ hội mới. Phần lớn tiền vốn vận hành hoạt động khai thác hầm mỏ trong vùng đều do người Hoa cung cấp. Không chỉ cung cấp về vốn mà nhân lực cũng được gia tăng với hàng nghìn công nhân người Hoa vào làm việc trong các mỏ thiếc. Cơn sốt cao su bùng nổt, cũng giống như chính sách cai trị đốu với Singapore, tộc ngườii Tamil từ Ấn Độ được thực dân Anh cho nhập cư để bổ sung nguồn lực trong các đồn điền cao su.
Phần lớn người Hoa tới du nhập chủ yếu là đàn ông, họ kết hôn với phụ nữ Mã Lai, tạo ra cộng đồng người lai có tên Peranakan (thủ tướng tài ba Lý Quang Diệu của Singapore cũng chính là một người Peranakan đời thứ ba). Người Perankan thường được chính phủ Anh tin tưởng và trọng dụng hơn người Hoa đến từ Đại Lục.
Văn hóa bán đảo Mã Lai dần bị ảnh hưởng bởi hai gã khổng lồ Trung Quốc và Ấn Độ. Hầu hết người Mã Lai theo đạo Hồi và là tôn giáo chính thức của Malaysia với 61% dân số theo đạo. Phật giáo, Đạo giáo của người Hoa, cùng với Hindu giáo của người Tamil cũng theo con đường thông thương thâm nhập vào vùng đất này. Chính sự đa dạng tín ngưỡng đã khiến quốc gia này lấp lánh nhiều sắc màu với nhiều nhà thờ, đền đài, chùa chiền, những ngọn tháp cao vút tới trời xanh cùng với nhiều lễ hội mang những bản sắc riêng của các tộc người. Tuy vậy sự tự do tín ngưỡng vẫn được đảm bảo tại Malaysia.
Dân số Malaysia với phần nửa là người Mã Lai, tiếp đó là cộng đồng người Hoa với gần 30% và 10% là người Ấn, còn lại lã những dân tộc thiểu số. Cũng giống như thời thuộc địa của Anh. Quyền lực chính trị nằm trong tay người Ma Lai thuộc tầng lớp cao. Trái ngược hẳn với người Mã Lai tầng lớp thấp sống chủ yếu ở nông thôn và các làng chài nghèo. Tầng lớp giàu có, thượng lưu chủ yếu là người Hoa. Có thể thất rõ ở Malaysia chính trị được quản lý bở người Mã Lai và nền kinh tế thì do người gốc Hoa điều hành.
Nếu bạn thấy một người mang quốc tịch Malaysia có thể nói được bốn thứ tiếng: tiếng Quảng Đông, tiếng Anh, tiếng Mã Lai, tiếng Tamil thì cũng đừng quá ngạc nhiên. Chuyện thường ở nước họ ấy mà. Các dân tộc khác nhau của Malaysia thường giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh. Chính phủ Malaysia cũng đáp ứng đặc tính đa ngôn ngữ của người dân nước mình bằng cách phát sóng những kênh truyền hình với nhiều thứ tiếng khác nhau.
Cũng bởi sự đa sắc tộc nên Malaysia luôn rực rỡ, phong phú với nhiều lễ hội, tại nhiều thời điểm khác nhau mang đặc trưng của từng dân tộc. Có thể kể đến những lễ hội lớn như Hari Raya Aidilfitri - thời điểm kết thúc tháng nhịn ăn của người theo đạo Hồi, lễ hội đón năm mới âm lịch của người Hoa. Và một dịp lễ chung của các tộc người mang quốc tịch Malaysia dĩ nhiên là dịp lễ quốc khách (16/09 hằng năm). Cùng gần với dịp lễ quốc khánh của Việt Nam mình. Người Malay họ bắt đầu ăn mừng quốc khánh từ đầu tháng 09, vì vậy dịp nghỉ lễ 02/09 mà qua Malaysia thì rất đông, tình trạng kẹt xe, quá tải tại các bến tàu, bến xe, địa điểm du lịch là điều khó tránh khỏi.
Sự đa dạng sắc tộc vừa là một may mắn, nhưng cũng chính là ngọn nguồn nảy sinh nhiều mâu thuẫn tại quốc gia này. Sự giao thoa của nhiều dân tộc góp phần giúp các chính trị gia gắn kết, thắt chặt mối quan hệ hữu hảo với nhiều cộng đồng, nhiều quốc gia trong cùng khu vực. Chính phủ Malaysia thiên về việc phổ biến văn hóa dân tộc Mã Lai và coi đó như bản sắc dân tộc, đồng thời chính phủ tạo nhiều đặc ân về sở hữu đất đai, ngôn ngữ và tôn giáo cho người gốc Mã Lai. Tuy nhiên, đại bộ phận người Mã Lai vẫn là dân nghèo, thất học và không đóng góp được nhiều cho công cuộc xây dựng đất nước. Sự phồn vinh của nền kinh tế Malaysia phần nhiều là do công sức của người gốc Hoa, nhưng họ không quyền hành trong chính trị. Sự lèo lái, lãnh đạo đất nước vẫn luôn nằm trong tay người Mã Lai. Mâu thuẫn từ đó nảy sinh, người Mã Lai cho rằng người Hoa đã cướp đi sự phồn thịnh của họ, còn người Hoa lại muốn có tiếng nói về chính trị.
Khi còn là thuộc địa của Anh, Malaysia là vùng đất chuyên khai thác thiếc và cao su. Giờ đây hai ngành công nghiệp này chỉ chiếm tỉ trọng 1-2% tổng sản lượng xuất khẩu. Ngành mũi nhọn của họ là công nghiệp nhẹ. Dầu cọ là một trong những sản phẩm xuất khẩu chính của quốc gia này. Do đó bạn có thể bắt gặp những vườn cọ xanh mướt dọc khắp lãnh thổ Malaysia. Đến nay Malaysia là một nước công nghiệp mới với nền kinh tế đứng thứ 29 trên trường quốc tế và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.
Malaysia sở hữu một trong những rừng nguyên sinh lớn và lâu đời nhất thế giới, với hệ sinh thái gồm nhiều loài động, thực vật quý hiếm, đa dạng. Và cũng chính bở điều này mà nạn chặt phá rừng, khai thác trái phép cũng đang là một vấn nạn của quốc gia này.
Một quốc gia không để lại trong tôi quá nhiều tình cảm. Nhưng nếu nhìn nhận khách quan thì Malaysia vẫn là một điểm đến phù hợp với số đông lữ khách. Nơi này dành cho những bạn trẻ thích đi bụi như tôi và cũng rất phù hợp cho những ai muốn tận hưởng một kỳ nghỉ thoải mái, tiện nghi với chi phí không quá tầm tay. Khám phá một quốc gia đa sắc tộc cũng là một trải nghiệm khá thú vị.
Phần 2 Review Kuala Lumpur
Với tiền thân là một thị trấn khai thác mỏ giờ đây nơi này đã trở thành một đô thị phồn thịnh, giàu có bậc nhất Malaysia với tòa tháp đôi nổi tiếng, khu phố người Hoa Chinatown nhộn nhịp và khu phố người Ấn Little India nhiều hương vị lạ lùng. Tôi đã đặt chân tới nơi này 2 lần và hứa hẹn trong tương lai sẽ còn nhiều chuyến ghé thăm nữa. Đô thị này không vấn vương quá nhiều tình cảm trong tôi. Nhưng viết về Kuala Lumpur thì cũng có không ít trải nghiệm tôi có thể chia sẻ.
Là một đô thị trẻ, cũng là bức tranh sinh hoạt nhiều sắc màu của những tộc người khác nhau. Cũng giống như nhiều đô thị khác trong khu vực Đông Nam Á. Kuala Lumpur cũng luôn tràn ngập trong tiếng ồn ã, khói bụi và những hàng xe kẹt dài vào giờ cao điểm. Đi bộ dọc những con đường thành phố cũng không lấy làm lạ khi nghe thấy âm thanh của những tiếng quạ kêu luôn vang vọng trong không trung, thấy những đàn quạ đậu đen trên những thành cầu, những mái nhà, những tán cây. Ở Malaysia người ta không kiêng kị tiếng quạ kêu. Có lẽ cũng bởi điều này mà mình không thấy có cảm giác thê lương.
- Tới Kuala Lumpur bằng cách nào?
Điều này thì không quá khó. Với vô sô hãng hàng không cho bạn lựa chọn từ cao cấp như Vietnam airlines, Malaysia airlines hay bình dân giá rẻ như Vietjet, air Asia. Một chuyến bay thẳng từ Hà Nội hay Sài Gòn chỉ khoảng 3 tiếng là tới.
- Visa, xuất/nhập cảnh.
Malaysia miễn thị thực cho rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Du khách Việt Nam được lưu trú lên tới 30 ngày tại Malaysia.
Cũng giống như Việt Nam, chính phủ Malaysia đã bỏ tờ khai nhập cảnh. Do đó bạn không cần điền vào tờ khai như những quốc gia khác. Nhưng cũng chính bởi điều này nên bạn hãy nhớ chuẩn bị đầy đủ vé máy bay khứ hồi, booking khách sạn và bảm kế hoạch du lịch, phòng khi hải quan họ yêu cầu xuất trình. Còn vụ hải quan yêu cầu xuất trình số tiền mang theo, khả năng tài chính chi trả cho chuyến đi thì hai lần mình tới Malaysia đều không gặp phải, nên bạn cũng đừng quá lo lắng vấn đề này.
Thêm một lưu ý, từ tháng 09/2019 chính phủ Malay có bạn hành một quy định mới về xuất cảnh. Mọi du khách quốc tế khi rời khỏi quốc gia này sẽ phải đóng một khoản phí chia tay (lệ phí xuất cảnh). Cụ thể đối với hạng vé phổ thông thì du khách thuộc các nước Đông Nam Á sẽ phải đóng một khoản phí khoảng 8 RM (gần 50.000đ).
- Thời tiết Malaysia, nên tới vào khi nào:
Mang đặc trưng tính chất nhiệt đới biển, nóng ẩm và ổn định quanh năm. Bởi vậy bạn có thể tới Malaysia, cũng như Kuala Lumpur vào bất cứ thời gian nào trong năm. Tuy nhiên thời điểm từ tháng 11 đến tháng 1 là khoảng thời gian đẹp nhất để bạn tới đây. Diễn ra nhiều kỳ nghỉ lớn như giáng sinh, tết dương lịch, tết âm lịch. Kuala Lumpur nhộn nhịp và lấp lánh đa sắc hơn bao giờ hết.
- Sim4G/Wifi:
Chuyến đi nào cũng vậy, bí quyết sinh tồn vẫn luôn gắn chặt với yếu tố này. Mình lựa chọn sim 4G của Gohub với 100Gb tốc độ cao. Vậy là đủ tự tin để xách bao lô đi muôn nẻo đường tại Kula Lumpur rồi.
Lưu ý quan trọng:
Nhập Code "WIND10" - nhận ưu đãi giảm 20% khi thuê bộ phát wifi Gohub
Nhập Code "WIND20" - nhận ưu đãi giảm 10% khi mua sim 4G quốc tế Gohub.
- Khách Sạn: Thông thường phần lớn mọi người sẽ chọn khách sạn khu trung tâm Bukit bintang. Với bản thân mình thì hai lần tới Kuala Lumpur mình đều book khách sạn khu China Town. Mục đích chính để thưởng thức ẩm thực của người Hoa. Recomend cho mọi người Travelodge City Centre. Phòng ốc sạch, view đẹp và giá phòng khá ổn. Sở hữu vị trí đắc địa, đối diện Sentral Market, gần ga tàu điện Pasar Seni, bến xe bus miễn phí Go KL, trạm xe bus 2 tầng Hop On Hop Off. Điểm trừ duy nhất của khách sạn là đồ ăn sáng không được đa dạng và không hợp khẩu vị mình cho lắm.
Một lưu ý: khi check in khách sạn sẽ yêu cầu bạn đóng 1 khoản thuế (10RM/phòng/đêm) - có một số khách sạn thì yêu cầu đóng 10RM/người/đêm. Đây là quy định của chính phủ Malaysia và được áp dụng từ năm 2017.
- Phương tiện di chuyển: chuyến đi này mình trải nghiệm khá nhiều phương tiện di chuyển từ tàu điện LRT, xe bus miễn phí Go KL, taxi, xe bus 2 tầng, xe bus sân bay. Đặc biệt grab ở Kuala Lumpur cũng như Malaysia rất rẻ và thuận tiện. Hệ thống giao thông tại Kula Lumpur khá hiện đại và phát triển trong khu vực bởi vậy việc di chuyển trong nội đô không phải là điều bạn phải quan ngại.
App mình sử dụng để di chuyển tại Kuala Lumpur: Google Map, Grab, app tàu điện Kuala Lumpur và Moovit.
- Trải nghiệm ẩm thực: mình không phải người quá khó tính trong việc ăn uống nhưng theo cảm nhận của bản thân mình thì ẩm thực của Malaysia vẫn còn thua xa ẩm thữ Việt Nam. Suốt mấy ngày ở Kuala Lumpur mình chủ yếu ăn đồ của người Hoa. Những món ăn luôn nằm trong list ẩm thực của mình có thể kể tới như vịt quay, dimsum...(nghe giống như đang review ẩm thực Trung Quốc ấy nhỉ). Đi bộ dọc qua những khu chợ bạn sẽ không khó để bắt gặp những quầy nước ép, những sạp hàng trái cây tươi mọng với nhiều loại hoa, trái khá gần gũi với Việt Nam. Nếu bạn cũng khó làm quen với ẩm thực Malaysia như tôi thì có thể những trái chôm chôm, măng cụt...chính là những giải pháp cứu rỗi cho tâm hồn ẩm thực đang thương nhớ những món ăn Việt.
- Trải nghiệm những điểm dừng chân tại Kuala Lumpur:
+ Làng Pháp Colmar Tropicale - làng Nhật Bản
Hai địa điểm này chắc chắn khá mới mẻ với nhiều bạn, ngay cả những bạn đã từng tới Kuala Lumpur rồi. Thường thì những cái hay, cái lạ sẽ ở phía sau. Nhưng mình muốn đẩy hai điểm đến này lên đầu vì sợ mọi người không đủ kiên nhẫn đọc tới những dòng cuối. Cùng nằm thuộc thị trấn Bukit Tingi thuộc quận Bentong của Pahang. Thị trấn nằm dọc trên đường cao tốc Karak của Kuala Lumpur. Ngôi làng Pháp Colmar được xây dựng dựa trên kiến trúc của thị trấn Colmar cùng tên. Tới colmar bạn sẽ ngỡ như mình đang lạc lối trời Âu vậy. Không khí núi rừng mát mẻ, ngắm nhìn những mái nhà sắc màu giữa những tán thông, cùng chơi đùa với bầy thiên nga quanh hào nước. Có lẽ Colmar chính là nơi sống chậm, là nơi rất xa và không có khói bụi thành phố mà bạn muốn kiếm tìm. Từ làng Pháp Colmar bạn có thể ngồi chuyến bus miễn phí để tới ngôi làng Nhật Bản gần đó. Chu du cùng lúc hai quốc gia giữa lòng Maylaysia cũng không quá khó đúng không nào.
Cách di chuyển tới đây: vì ở trên núi, cách khá xa trung tâm Kuala Lumpur và không thuận tiện kết nối với các phương tiện công cộng nên cách duy nhất để tới đây là bắt grab. Nêu nhớ hẹn giờ để lái xe quay lại đón bạn vì ở đó bắt grab rất khó. Bạn cũng có thể kết hợp trải nghiệm cao nguyên Genting rồi bắt grab tới colmar.
+ Tháp Đôi Petronas.
Từng giữ kỷ lục tòa tháp cao nhất thế giới từ năm 1998 đến năm 2003. Với chiều cao tính tới mái 403m, tính tới ăng ten 452m. Với diện tích sàn 395.000 m2 với 88 tầng và 78 thang máy hoạt động. Tuy không còn giữ được ngôi vị tòa tháp cao nhất nữa nhưng Petronas vẫn là niềm tự hào của người dân Malaysia và là biểu tượng của Kuala Lumpur. Được xây dựng bở tập đoàn dầu khí hùng mạnh của Malaysia và được thiết kế dựa trên cảm hứng kiến trúc của nhà thờ hồi giáo kết hợp với những đường nét kiến trúc hiện đại tạo nên một kết cấu độc đáo, hiên đại mà không nơi nào có được. Riêng với bản thân mình thì tòa tháp đôi này như hai chiếc tên lửa khổng lồ, lấp lánh ánh bạc và luôn khiến người ta phải ngước nhìn. Cũng không có gì khó hiểu khi tới Kuala Lumpur là không thể bỏ qua việc chụp ảnh check in với tòa tháp đôi này. Có hai góc chụp đẹp mà bạn nên lưu ý là khuôn viên đài phun nước phía trước lối vào Petronas và công viên KLCC phía mặt sau của tòa tháp đôi.
Nếu bạn đủ kiên nhẫn và đủ thời gian thì hãy thử trải nghiệm đứng trên độ cao gần hai trăm mét từ cầu kính trên không bắc ngang giữa hai tòa tháp. Ngắm nhìn đô ồn ào, bụi bặm thị qua những những ô kính trong suốt thật sự xứng đáng với công sức đứng xếp hàng đợi chờ hàng giờ của bạn.
+ Tháp truyền hình KL Towel.
Cũng giống như tháp đôi Petronas, tòa tháp này cũng là một niềm tự hào của Kuala Lumpur. Nắm giữ vị trí tòa tháp truyền thông đứng thứ 7 trên thế giới và đứng thứ 2 tại châu Á. Sở hữu kiến trúc được lấy cảm hứng từ Hồi Giáo và Ba Tư. Tầng thượng của tòa tháp cũng là địa điểm lý tưởng để ngắm nhìn toàn cảnh thành phố khi hoàng hôn buông. Trải nghiệm hộp kính trên không tại KL towel cũng là một điều thú vị, xứng đáng với công sức chờ đợi của bạn. Bước vào hộp kính này bạn sẽ có những bức ảnh ngắm thành phố trên cao với phông nền chủ đạo là tòa tháp đôi Petronas từ phía sau.
+ KL forest eco park.
Công viên xanh nằm kế bên tháp truyền hình KL towel. Được coi như lá phổi xanh của thành phố. Trải nghiệm đi bộ trên những dải cầu treo, băng qua khu rừng nhỏ giữa thành phố. Hít thở bầu không khí sạch trong dưới những tán cây lớn. Nếu bạn đang muốn tìm kiếm những góc thiên nhiên kề bên đô thị thì nơi này rất đáng để bạn lưu tâm.
+ Động Batu.
Cách trung tâm thành phố khoảng 15km. Là công trình kiến trúc rực rỡ, linh thiêng bậc nhất của Hindu giáo. Với tượng thần Mirugan khổng lồ đưỡc phủ nhũ vàng, đứng uy nghiêm ngay trước cửa động, kế bên là ngôi đền cùng với những bậc thang lung linh như cầu vồng bảy sắc. Bước qua 272 bậc thang của chiếc cầu vồng đó bạn sẽ tới được cửa động Batu với đền thờ Ấn Độ linh thiêng phía bên trong. Batu là sự hội tụ tinh hoa của những nghệ nhân Ấn Độ, là trung tâm tôn giáo của đạo Hindu.
+ Chùa Thiên Hậu.
Ngôi chùa mang đậm bản sắc tín ngưỡng qua người gốc Hoa tại Kuala Lumpur. Tọa lạc tại đỉnh đồi Robson ngay giữa lòng thành phố. Với những mái chùa son đỏ cong cong, những ánh lồng rực rỡ sắc vàng. Chùa gồm bốn tầng và là sự kết hợp giữa kiến trúc truyền thống Trung Quốc kết hợp với các yếu tố Nho giáo, Phật Giáo, Đạo giáo. Cổng chính của chùa được xây dựng theo hình vòng cung nổi bật với cột trụ được sơn đỏ, tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng. Phảng phất ở điện thờ chính là những làn khói nhang không ngừng bay lên. Chùa Thiên Hậu là trái tim của Phật giáo giữa lòng Kuala Lumpur và là một trong những ngôi chùa phật giáo lớn của Đông Nam Á. Người dân Kuala Lumpur (chủ yếu là những người gốc Hoa) thường tới đây thắp nhang, cầu may mắn, cầu bình an vào những ngày đầu tháng, lễ tết. Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà chùa Thiên Hậu cũng chính là nhân chứng cho tình yêu lứa đôi, là nơi đăng ký kết hôn của nhiều cặp tình nhân trẻ. Nếu bạn đang cần một bàn tay đan ngón với bạn, cần tìm kiếm một nửa còn lại của mình thì hãy tới chùa Thiên Hậu than thở với Nguyệt Lão nhé. Chưa biết chừng ngài sẽ động lòng và se duyên cho bạn. Hãy cứ lạc quan và hy vọng như mình như vậy đi.
+ Nhà thờ Hồi Giáo quốc gia.
Nếu như chùa Thiên Hậu là hiện diện của Phật giáo, Động Batu là hiện thân của Hindu giáo thì nơi này là biểu trưng cho quốc giáo của Malaysia. Mình không hiểu nhiều về Hồi giáo nên sẽ không chia sẻ được nhiều về nơi này. Điều mà nơi này để lại ấn tượng mạnh mẽ với mình là những đường nét kiến trúc đương đại của nhà thờ.
Bước vào bên trong nhà thờ đôi khi mình nhầm tưởng đang ở trong một bảo tàng hiện đại. Những đường nét đơn giản, thanh thoát, không quá cầu kỳ, rườm rà. Muốn có bộ ảnh đẹp, mang đậm chất của quốc gia Hồi giáo thì tất nhiên bạn khó lòng bỏ qua địa điểm này.
+ Quảng Trường Merdeka.
Nơi này giống như quảng trường Ba Đình của Hà Nội vậy. Quảng trường Merdeka hay còn gọi là quảng trường độc lập. Được bao quanh bởi những tòa nhà hành chính cổ, những tòa nhà thuộc địa nhiều sắc màu. Vào năm 1957 chính tại nơi đây, Quớc kỳ Anh đã hạ xuống và Quốc kỳ Malaysia lầm đầu tiên được tung bay. Hằng năm vào dịp lễ Độc Lập Merdeka là nơi tổ chức kỷ niệm với nhiều chương trình hòa nhạc và nhiều sự kiện lớn khác.
+ Hoàng Cung.
Ngồi trên chuyến xe bus 2 tầng Hop On Hop Off và có dịp ghé qua Hoàng Cung của Malaysia. Có lẽ do mình đi dịp quốc khánh của họ nên Hoàng Cung đóng cửa không cho khách vào tham quan. Cánh cổng Hoàng Cung sừng sững giữa khuôn viên rộng lớn phía trước. Từ cánh cổng, vòm mái tới cung điện phía bên trong đều được dát vàng, lấp lánh và tráng lệ dưới ánh nắng (người Mã Lai quan niệm màu vàng là biểu trưng cho Hoàng Gia). Hai bên cánh cổng là những anh cảnh vệ người Mã Lai luôn nghiêm nghị sắc mặt trong sắc phục màu đỏ, cưỡi trên lưng những chú tuấn mã. Ngày đêm những con người đó vẫn canh gác, bảo vệ sự bình yên cho Hoàng Gia cũng chính là bảo vệ sự bình yên cho nước nhà. Là dinh thự của quốc vương Malaysia và đồng thời cũng là nơi tổ chức nhiều lễ nghi hoàng gia, nghi lễ nhà nước và tiếp đón các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có cựu tổng thống Mỹ Barack Obama.
+ Cầu sương - The river of life
Nằm ngay phía sau quảng trường Merdeka. Ban ngày cây cầu này rất đỗi bình thường, nhưng khi màn đêm buông xuống thì lại là một góc nhìn hoàn toàn khác. Những màn sương trắng mờ nhè nhẹ bay ngang dưới chân cầu. Màn sương trắng phủ kín mặt nước cùng với những sắc đèn rực rỡ tạo nên một khung cảnh thực thực, ảo ảo và khiến cây cầu đẹp lạ thường. Có lẽ đây như một bản giao hưởng ánh sáng đặc trưng của Kuala Lumpur.
+ Bukit bintang, China Town, Litle India:
Những khu vực mang những đặc trưng rất khác biệt, mang những màu sắc rất riêng.
Bukit Bintang mang một hơi hướng hiện đại với những trung tâm mua sắm sầm uất, những bức bích họa mang phong cách nghệ thuật đường phố và con đường ẩm thực Jalan alor hội tụ đầy đủ ẩm thực của nhiều quốc gia (có hẳn món Việt luôn). Nếu không thể làm quen được với ẩm thực bản địa thì hãy tới Jalan để trải nghiệm hương vị quê hương trên nước bạn.
China town.
Như một thói quen, tới quốc gia nào mình cũng ghé qua China Town. Không phải là mình thích Trung Quốc đâu. Khu phố người Hoa luôn tấp nập và ngập tràn trong sắc đỏ đèn lồng. Với những mái chùa cong cong, uyển chuyển cổ kính, mang biểu trưng đặc biệt cho những giá trị của nho giáo, đạo giáo và phật giáo.
Litle India.
Khu phố người Ấn đầy sắc màu và luôn nồng nàn mùi hương của nhiều loại gia vị. Một Ấn Độ thu nhỏ giữa lòng Kuala Lumpur hiện hữu rõ nét tại nơi đây.
Một số góc check in khá đẹp và đậm chất Kuala Lumpur mà bạn nên lưu tâm: Sentral Market, tòa nhà ban quản lý đường sắt Malayan, đền Siri Maha Mariamman.
Đó là những trải nghiệm tại Kuala Lumpur và trải lòng về đất nước đa sắc tộc Malaysia của mình. Phần tiếp theo review về đô thị Malacca một thời vàng son mình sẽ tổng hợp ở một bài viết khác. Cảm ơn bạn đã đọc tới dòng cuối cùng của mình
nguồn: Anh Tuan
nguồn: Anh Tuan