CUNG ĐIỆN NƠI LƯNG CHỪNG TRỜI
Phạm Bá Thủy
Châu Á là kho tàng của vô số những điều diệu kỳ trên thế giới. Hàng triệu di tích văn hóa và lịch sử bí ẩn tập trung ở đây. Những ngôi đền và giếng nước của Ấn Độ, cung điện của Nhật Bản và Trung Quốc, những quần thể cự thạch, đồ trang sức tinh xảo, những khu định cư bí ẩn, những công trình kiến trúc đáng kinh ngạc… Còn có nhiều phát hiện vẫn giữ biết bao điều bí mật. Một trong những nơi này nằm ở Sri Lanka.
KHEN AI KHÉO DỰNG
Sigiriya là một tảng đá khổng lồ cao 200 mét với những bức vách dốc đứng và đỉnh bằng phẳng, nằm giữa khu rừng rậm rất khó tiếp cận ở miền Trung Sri Lanka. Chính trên "cao nguyên" hùng vĩ này có một quần thể cung điện được xây dựng cách đây khoảng 1.500 năm. Đáng ngạc nhiên là không có một ghi chép nào đề cập về các tòa nhà hoành tráng như vậy được lưu giữ trong các nguồn thư tịch tự cổ chí kim. Theo một trong nhiều truyền thuyết, công trình này được xây dựng bởi những sinh vật huyền sử dưới sự hướng dẫn của vị vua thần thoại Ravana. Nhưng khoa học hàn lâm phủ nhận sự tồn tại của các quỷ thần bí ẩn và coi những truyền thuyết cổ xưa chỉ là những câu chuyện cổ tích.
Nhưng đồng thời, các nhà sử học cũng không thể đưa ra lời giải thích thực tế dù là nhỏ nhất cho câu hỏi: "Cung điện này được xây dựng như thế nào?". Và quả thực, các nghiên cứu địa chất đã chỉ ra rằng trong 3.500 năm qua không có trận động đất nào hay hoạt động kiến tạo địa chất nào trong vỏ Trái đất ở khu vực Sri Lanka để có thể nâng một mảnh đất có đội một khối đá khổng lồ lên độ cao 200 mét. Hóa ra vào thời điểm xây dựng cung điện, tảng đá đã ở vị trí này. Vậy vật liệu xây dựng được vận chuyển lên đỉnh khối đá như thế nào?
Không có câu trả lời cho câu hỏi vô cùng – vô cùng khó này. Và đây là lý do tại sao. Hai loại vật liệu đã được sử dụng để xây dựng các công trình trên đỉnh có nguồn gốc xuất xứ nằm cách địa điểm xây dựng Sigiriya lần lượt là 260 và 310 km. Được rồi, hãy cứ cho rằng vào thời đó không có khu rừng rậm nào cản trở quá trình vận chuyển vật liệu đên nơi tập kết tại chân núi, nhưng làm thế nào để có thể đưa được chúng lên cao? Chuyển một tải trọng lớn gần như theo phương thảng đứng lên độ cao 200 mét không phải là điều dễ dàng, vì thời đó chưa có công nghệ hiện đại. Các nhà khoa học tin rằng các nhà xây dựng thời cổ đại đã bắc thang và giàn giáo để vận chuyển và thi công. Hãy tưởng tượng một cầu thang đạt độ cao 200 mét, mà phải vô cùng vững chắc để có thể chuyển những loại vật liệu cực kỳ nặng, hoặc một cấu trúc nào đó tương tự? Quả thật là rất khó để hình dung!
Bản thân cung điện là một công trình kiến trúc hùng vĩ, có hồ bơi và các công trình phụ. Tổng cộng, khoảng 3,5 triệu khối đá nặng từ vài chục kilogam đến hàng tấn đã được sử dụng cho việc xây dựng không chỉ các bức tường mà còn cả các cột, đáy của một hồ chứa nhân tạo, các sân thượng. Tổng cộng 14 tòa nhà phụ và một cung điện nguy nga đều được xây dựng từ những khối đá như thế. Than ôi, không còn sơ đồ nào về diện mạo ban đầu của kỳ quan thế giới này. Tuy nhiên, ngay cả như vậy, chúng ta có thể nói rằng việc xây dựng Sigiriya không chỉ được thực hiện bằng đục và búa.
Có thực sự có thể tạo ra một cung điện hoành tráng trên một tảng đá khổng lồ như vậy bằng các phương tiện ngẫu hứng không? Nhiều nhà khoa học tin rằng nó được xây dựng bằng những dụng cụ "truyền thống" mà thôi, như búa và đục chẳng hạn. Các nhà sử học chính thống thì khẳng định là không thể. Nhưng ai có thể nói người xưa đã sử dụng những phương tiện gì trong việc xây dựng công trình này? Các nhà nghiên cứu sẽ còn phải tốn nhiều giấy mực đây! Tôi không phải là một chuyên gia trong lĩnh vực này, vẫn xin mạnh dạn đưa ra quan điểm riêng, rằng rất có thể các bậc thầy thời xưa đã có một số loại "công nghệ bí ảo" nhưng đã bị thất truyền trong 1500 năm qua.
DU LỊCH SIGIRIYA
Sigiriya là một địa điểm du lịch nổi tiếng của Sri Lanka, năm 1982 được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Thế giới.
Sigiriya có nghĩa "tảng đá của sư tử". Theo sử thi Mahavamsa, hoàng tử Vijaya là cháu trai của một con sư tử, đến hòn đảo Sri Lanka để kết hôn với công chúa Kuveni. Từ cuộc hôn phối này đã sinh ra tộc người Sinhalese (nghĩa là những con sư tử). Do vậy, sư tử là nguồn gốc thần thánh của các vị vua và trở thành biểu tượng của vương quyền Sinhalese.
Thành phố cổ Sigiriya được hình thành vào thế kỷ V Công lịch nhờ nỗ lực của Vua Kashyapa I (trị vì 473-495). Trên một tảng đá cao 200 mét, ông đã xây dựng một pháo đài và dời đô từ Anuradhapura đến đó. Nhà vua rất thích tảng đá này vì hình dáng tự nhiên của nó khiến cao nguyên trên đỉnh gần như bất khả xâm phạm. Và còn do ông có nhiều điều phải lo sợ. Theo truyền thuyết, Kasapa từ nhỏ đã khao khát quyền lực và sự giàu có, vì điều này mà ông đã căm ghét em trai mình là Moggallana và thậm chí giết chết cha mình. Người em vì muốn trả thù cho cha nên đã tiến quân tiêu diệt người anh phản bội.
Trong khi đó, trên đỉnh cao nguyên, nhà vua đã xây dựng cung điện của mình, xung quanh có những khu vườn, có hồ nước lớn, trong đó có những đài phun nước được coi là đầu tiên trên thế giới. Lối vào núi được làm theo hình một con sư tử khổng lồ, do đó nơi này được gọi là Sigiriya, nghĩa là "Núi sư tử". Bất chấp sự bảo vệ này, vua Kashyapa vẫn bị đánh bại và kinh đô lại được chuyển về Anuradhapura. Sau đó, quần thể kiến trúc Sigiriya được sử dụng làm tu viện Phật giáo cho đến thế kỷ XIV, rồi từ đó bị bỏ hoang trong nhiều thế kỷ. Đến giữa thế kỷ 18 Sigiriya mới được các sĩ quan thực dân Anh và các nhà nghiên cứu người Anh phát hiện trở lại.
Hiện nay, Sigiriya là một trong những địa điểm ngoạn mục và thú vị nhất ở Sri Lanka và bất kỳ chuyến tham quan nào của đất nước này nhất thiết phải bao gồm chuyến tham quan thành phố cổ. Giá vé khá đắt – 30 USD, bao gồm chiêm ngưỡng cảnh vật xung quanh, leo vách đá và tham quan bảo tàng.
Muốn leo lên đỉnh tảng đá phải vượt qua 750 bậc thang (tương đương 60 tầng lầu) với vài điểm dừng nghỉ. Lối đi không rộng lắm, do đó, ở một số nơi chỉ có thể di chuyển một chiều. Trước khi leo núi, hãy nhớ mang theo đủ lượng nước uống vì ở đây không bán.
Khoảng giữa chặng đường đi lên, sẽ có một bức tường với những mảnh bích họa còn sót lại mô tả những phụ nữ bán khỏa thân (một địa điểm rất được du khách yêu thích), một bức tường "gương" (ngày nay hiệu ứng gương vẫn chưa được phục hồi). Sau đó, bạn sẽ đến một khu vực bằng phẳng, nơi có đôi bàn chân sư tử nổi tiếng, từ đó sẽ diễn ra quá trình đi lên đỉnh theo cầu thang sắt. Việc leo lên đó rất dốc và tốn thời gian, thường có rất nhiều khách du lịch và hình thành nên tình trạng "ùn tắc giao thông" cục bộ. Chặng cuối cùng của tuyến đường bao gồm đỉnh núi bằng phẳng, nơi tọa lạc các căn phòng của hoàng gia. Đây có lẽ là nơi thú vị nhất ở Sigiriya. Tham quan xong, khách đi xuống hiện bằng cầu thang khác, theo một lối khác.
NB PHẠM BÁ THỦY
Theo Nashaplanetanet
#Sri_Lanka #Sigiriya