Điện Kiến Trung - Cố đô Huế

[Bản tin Di sản] [Thời sự] [Di tích Huế] [Cố đô Huế] [Đại Nội] [Hoàng Thành Huế]

XUÂN GIÁP THÌN, NGẮM RỒNG HỒI SINH TRÊN KIẾN TRUNG LÂU - ĐẠI NỘI HUẾ

Di tích Kiến Trung Lâu (建中樓) hay còn được gọi là Điện Kiến Trung sẽ chính thức khánh thành và đón du khách tham quan trong dịp Tết Giáp Thìn 2024. Một thập kỷ đã trôi qua từ khi dự án phục hồi tôn tạo di tích lầu Kiến Trung khởi động, quá trình xây dựng được triển khai từ năm 2019 tới nay với kinh phí nghiên cứu phục dựng gần 124 tỷ đồng. Toà lầu này là nơi cư trú và sinh hoạt chính của hai vị Hoàng Đế cuối cùng triều Nguyễn. Sự kiện mở cửa đón khách tham quan Kiến Trung Lâu là một tín hiệu đáng mừng cho Huế nói riêng và cả nước nói chung, là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực khôi phục quần thể cung điện hoàng gia triều Nguyễn.

Một số thông tin đáng chú ý về công trình Điện Kiến Trung:

🔸 Kiến Trung Lâu được khởi dựng từ năm 1921, hoàn thành năm 1923, kèm theo hai khối nhà phụ cặp hai bên toà lầu chính, cùng ba lầu bát giác dựng ở sân trước.

"Việc đổi dựng lầu Kiến Trung hoàn thành. Lầu ấy là nền cũ của lầu Minh Viễn triều trước, về sau vì lâu ngày hư hỏng nên để đó không tu sửa. Năm Duy Tân thứ 7 nhân nền cũ xây lại, gọi là lầu Du Cửu. Đến khi vua lên ngôi năm đầu, đổi làm lầu Kiến Trung, tu bổ loa. Năm thứ 6 đặc mệnh đổi dựng lại. Đến lúc ấy hoàn thành, vua đích thân ngự chế bài ký để ghi lại việc ấy."

~Khoản 932, Đại Nam Thực lục đệ thất kỷ, trang 411, Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, NXB Văn hoá Văn nghệ.

Ngay sau khi công trình hoàn tất, vua Khải Định cùng Đông Cung Hoàng Thái Tử bắt đầu chuyến "Ngự Giá như Tây". Vua Khải Định đã sinh sống tại điện được một thời gian ngắn và băng hà tại đây. Về sau, Đông cung Hoàng Thái Tử Bảo Long cũng được hạ sinh tại lầu này.

🔸 Trước khi xây dựng Điện Kiến Trung, khu đất này từng có các công trình thuộc các thời đại trước. Trong triều đại hoàng đế Minh Mạng,nền đất cao này có một kiến trúc gỗ hai tầng lầu mang tên "Minh Viễn Lâu", được mô tả trong bài thơ "Trùng Minh Viễn Chiếu" và được ca ngợi là một trong 20 cảnh đẹp Kinh đô, tuy nhiên toà lầu gỗ này đã bị hạ giải do xuống cấp trong triều vua Tự Đức và nền lầu hoang phế sau đó. Trong những năm cuối triều Duy Tân, trên nền lầu cũ được thay mới một toà kiến trúc mới tên "Du Cửu Lâu" với phong cách hoàn toàn phương Tây, dùng làm chỗ ở mới theo tiện nghi phương Tây cho Hoàng đế. Kiến Trung Lâu là hình thái kiến trúc cuối cùng của khu vực này, tích hợp phần đế nền cao của Minh Viễn Lâu, phần cốt nhà cũ ở trung tâm của Du Cửu Lâu và cuối cùng là bộ áo mở rộng mang tên Kiến Trung - Kiến tạo nên sự chính trực ngay thẳng.

🔸Khi thảo luận về phong cách kiến trúc của Kiến Trung Lâu, tới nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Có thể tạm thời xem rằng lầu được tạo hình và trang trí theo phong cách "Hoàng Gia mới" với tiêu chí là thể hiện các trang trí truyền thống hoàng gia một cách hài hoà trên cốt nhà xây dựng theo kỹ thuật phương Tây. Nếu so sánh mật độ trang trí mặt tiền và hình khối công trình với nền kiến trúc phương Tây, có thể thấy ở đây có sự tương đồng với giai đoạn Hậu Baroque hoặc Rococo; nếu so sánh với nền kiến trúc cung đình trước đó, toà nhà có hình thức "điệp ốc" bởi khối chính và khối hậu được tạo thành từ hai mái độc lập, các trang trí cung đình truyền thống được "đong đếm vừa đủ" vào các vị trí thích hợp như dãy liên ba ô hộc hoa văn, các ô cửa sổ lồng ghép trong dãy cuốn thư liên hoàn hay các hoạ tiết rồng cuộn "viên long"... được thể hiện bằng hình thức khảm sành sứ nhiều màu sắc.

🔸Trong quá trình tồn tại, lầu Kiến Trung trải qua nhiều thay đổi kiến trúc từ cảnh quan đến nội thất, thuộc hai thời kỳ chính là Khải Định và Bảo Đại. Ở thời Khải Định, ngôn ngữ hoành tráng, bão hoà trong trang trí, thiên về chi tiết và kết hợp giữa trang trí phương Tây và Việt Nam được tôn vinh, nội thất đậm chất Rococo. Sang thời Bảo Đại, sự tinh giản tân tiến và thuần nhất Âu Châu hiện đại được đề xướng trong nội thất điện và cảnh quan bên ngoài. Khi nghiên cứu phục hồi, đơn vị thiết kế đã cân nhắc chọn thời kì kiến trúc Khải Định bởi các yếu tố nghệ thuật của thời kỳ này mang tính đại diện cho phong cách "Hoàng gia mới". Chính vì vậy, những phần tân thời và cơi nới trong thời Bảo Đại không thuộc phạm vi khôi phục của dự án. Tuy nhiên, phần sân vườn trước toà lầu chính là những cảnh quan mang đậm dấu ấn châu Âu của thời kỳ Bảo Đại còn lại tương đối cho tới nay. Chức năng của khu vườn này nhằm tạo khoảng lùi kiến trúc lớn, tôn vinh sự đường bệ của toà lầu. Một điều thú vị khác, đại sảnh tiếp tân của Kiến Trung Lâu thời vua Bảo Đại có trưng bày ba bức tranh khổ lớn của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân - một tên tuổi lớn của nền hội hoạ Đông Dương.

Với những giá trị độc đáo của kiến trúc cung đình thời đại mới, Kiến Trung Lâu là đại diện cho mỹ thuật cung đình Việt Nam trong xu hướng giao lưu văn hoá với phương Tây, vốn biểu hiện ở nhiều nước Đông Á đầu thế kỷ 20. Tiến độ thi công phục hồi tôn tạo di tích vừa kịp hoàn thành ngay trước thềm năm mới. Những hình tượng rồng tinh xảo phủ trên bề mặt toà nhà hẳn là điều đáng mong đợi trong mùa xuân này. Sự hoàn thiện của dự án Điện Kiến Trúc là tin tức đáng khích lệ trong bức tranh di sản chung của cả nước.

Kính mời quý vị bạn đọc cùng ngắm nhìn Kiến Trung Lâu trước giờ khai mạc đón khách đầu năm. Những bức ảnh tuyệt đẹp được Nhiếp ảnh gia Nguyễn Phong chia sẻ. Cảm ơn anh đã hỗ trợ dự án Tản Mạn Kiến Trúc trong hành trình hiểu, nghiên cứu và cảm nhận Huế.

MẾN CHÚC QUÝ BẠN ĐỌC MỘT MÙA XUÂN MỚI ĐẦY ẤM NO, HẠNH PHÚC, AN KHANG THỊNH VƯỢNG, VẠN SỰ NHƯ Ý.

-------------------------

Nguồn: Tản mạn kiến trúc

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

POST ADS1

POST ADS 2