Ẩn dụ bí ẩn trong phim Exhuma: QUẬT MỘ TRÙNG MA

#FunFacts PHÍA SAU NHỮNG HÌNH ẢNH ẨN DỤ TRONG "EXHUMA" (QUẬT MỘ TRÙNG MA)

(Hay hay lưu lại rảnh có đi Hàn ngó tiếp)

- Trong bộ phim, Kim Sang-deok (Choi Min-sik), Lee Hwa-rim (Kim Go-eun), Go Young-geun (Yoo Hae-jin), Yoon Bong-gil (Lee Do-hyun), pháp sư Oh Gwang-shim (Kim Seon-young) và Park Ja-hye (Kim Ji-an) đều là tên của những nhà hoạt động độc lập có thật trong lịch sử. 

- Dịch vụ tang lễ Eulyeol (의열 장의사) trong phim gợi nhắc đến tổ chức Quân đoàn anh hùng Eulyeoldan (의열단) - tổ chức ngầm theo chủ nghĩa dân tộc Hàn Quốc. Vị trụ trì ngôi chùa Boguksa tên là Won-bong, trùng tên với người đứng đầu tổ chức Eulyeoldan là ông Kim Won Bong. 

- Những cái tên được khắc trên những chiếc cuốc gỗ cũng không phải ngẫu nhiên, mà đều là tên của những nhà hoạt động độc lập Kim Jeong-bok, Jeon Tae-hwan và Lim Chung-shin. 

- Những mật mã yêu nước được đạo diễn gài cắm trên biển số xe ô tô của các nhân vật. Xe của Sang-deok mang biển số 0815 còn xe tang của Young-geun mang biển số 1945 gợi nhớ đến ngày Giải phóng 15-08-1945, ngày kỷ niệm sự kiện đất nước thoát khỏi ách thống trị của Đế quốc Nhật Bản, cũng là ngày Chính phủ Hàn Quốc thành lập. Xe của Hwa-rim và Bong-gil mang biển số 0301 gợi nhớ đến ngày Độc lập, kỷ niệm phong trào 1 tháng 3 diễn ra vào năm 1919 khi 33 người Hàn yêu nước tuyên bố độc lập ở Seoul, châm ngòi cho biểu tình trên toàn quốc và xúc tác cho sự hình thành Chính phủ lâm thời Đại Hàn Dân Quốc. 

- Phe thân Nhật và hậu duệ của họ cũng xuất hiện trong phim, đại diện là gia đình họ Park sống ở LA - Mỹ, họ được hưởng thụ sự giàu có từ đời này truyền qua đời khác. Bối cảnh phe phái thân Nhật trong phim dường như được lấy cảm hứng từ Eulsaojeok (을사오적). Trên thực tế, chắt trai của Lee Wan-yong (Cựu Tổng lý Đế quốc Đại Hàn) là Lee Seok-hyung đã khai quật mộ của Lee Wan-yong trên núi Mireuksan ở Yeosan vào năm 1979, 53 năm sau khi ông được chôn cất và hỏa táng hài cốt của ông. 

- Nhật Bản đã phá bỏ Heungnyemun (Hưng Lễ Môn) của Gyeongbokgung (Cung Cảnh Phúc) và xây dựng Phủ Tổng đốc Triều Tiên - biểu tượng tàn dư của chế độ thực dân Nhật Bản, đã bị phá bỏ vào năm 1995 dưới thời chính quyền Kim Young-sam. Nhiều người cho rằng, Đế quốc Nhật Bản đã thực hiện "xâm lược phong thủy" để chiếm đóng bán đảo Triều Tiên. Giáo sư Yuji Hosaka của Đại học Sejong cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội (SNS), "Người Nhật chiếm đóng Seoul dựa trên phong thủy. Seoul là một thành phố được thiết kế theo phong thủy của Huyền Vũ, Thanh Long, Bạch Hổ và Chu Tước. Người Nhật đã xây dựng Phủ Tổng đốc Triều Tiên ở phía trước núi Bukaksan, tọa lạc tại vị trí Huyền Vũ, đồng thời trấn áp Cung điện Cảnh Phúc, xây dựng Đền thờ Thần đạo Triều Tiên ở núi Namsan tại vị trí Chu Tước. Núi Inwangsan và núi Naksan, tương ứng với Thanh Long và Bạch Hổ, đóng cọc sắt vào đỉnh núi." 

- Phải chăng đạo diễn cũng muốn thể hiện sự chiếm đóng của Nhật Bản trên Bán đảo Triều Tiên dựa trên phong thủy? Đạo diễn Jang cho biết ngay từ khi thiết kế trang phục cho 4 nhân vật chính đã có ý kiến ​​về việc phối màu xanh lam (Thanh Long), đen (Huyền Vũ), đỏ (Chu Tước) và trắng (Bạch Hổ) để truyền tải ý nghĩa của 4 nhân vật chính. 

- Bộ phim đưa ra ẩn dụ quan trọng nhất qua miệng của một hồn ma thân Nhật. "Con cáo cắn đứt eo con hổ". Con số được viết trên bia mộ của hồn ma thân Nhật Park Geun-hyun là tọa độ 38,3417 độ vĩ bắc và 128,3189 độ kinh đông, tức là 'eo bán đảo Triều Tiên'. Đạo diễn Jang cho biết đây là đỉnh Hyangnobong ở Goseong, Gangwon-do. Hyangnobong là eo của Bán đảo Triều Tiên và là điểm cực bắc của dãy núi Baekdu, bị chặn bởi vĩ tuyến 38, sông Namkang bắt nguồn từ đây và chảy ra biển Bắc Triều Tiên. "Con cáo" trong câu nói ám chỉ nhà sư Nhật Bản có tên Kisunae, trong tiếng Nhật có nghĩa là con cáo (きつね). "Con hổ" trong câu nói ám chỉ hình tượng bán đảo Triều Tiên luôn được ví von với con hổ. Nhiều giả thuyết cho rằng người Nhật đã đóng cọc sắt tại đây (eo của con hổ) với mục đích chặn vận khí của đất nước, chia cắt hai miền Triều Tiên. Có lẽ đạo diễn muốn bày tỏ rằng nỗi đau thương đất nước do chế độ thực dân Nhật Bản gây ra đã dẫn đến sự chia rẽ đất nước. Những kẻ trộm mộ được nhắc đến trong bộ phim, không phải là những kẻ trộm mộ thực sự mà là những nhà hoạt động độc lập cố gắng nhổ cọc sắt, phá bỏ thuyết xâm lược phong thủy của người Nhật. Dù cọc sắt đã được nhổ lên nhưng đất nước vẫn phải chịu nỗi đau chia cắt.

- Ý nghĩa của bộ phim thể hiện những nỗi đau đất nước khi bị những thế lực ngoại bang xâm lược và tàn tích để lại cho tới ngày hôm nay.

______ 

©️ Chungmuro Fanpage

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

POST ADS1

POST ADS 2