BALI – HÃY PHƯỢT THEO CÁCH CỦA BẠN – PHẦN 2
Viết tiếp phần 2 của câu chuyện tại Bali sau 5 năm là một trải nghiệm đầy thú vị và ý nghĩa với hai vợ chồng trong năm nay. Chuyến đi để kỷ niệm 5 năm ngày cưới, lại vô tình thành kỳ nghỉ nhân dịp hai vợ chồng cùng nghỉ việc (vì chương trình được lên trước khi mình quyết định nộp đơn), khiến đôi khi mình tưởng rằng câu chuyện lần này như một sự sắp đặt của định mệnh cuộc đời.
"Chốt lại, với bốn ngày trải nghiệm, bọn mình đánh giá Bali là một điểm đến rất đáng để thử, và không chỉ một lần" - câu kết trong bài review của 5 năm về trước cũng chính là động lực cho chuyến đi lần này. Bởi trong số hơn chục điểm đến tại nước ngoài mà hai vợ chồng đã đi qua, Bali vẫn là điểm đến mà bọn mình mong muốn quay lại nhất, với 4 yếu tố chính: Thiên nhiên, Con người, Ẩm thực, và Được tự chạy xe máy.
Mặc dù là Phần 2 của cùng một bộ truyện, nhưng câu chuyện lần này lại được xây dựng theo một phong cách khác với những điểm đến hoàn toàn mới lạ, mà có lẽ không nhiều người Việt Nam từng đi Bali biết đến. Bởi Phần 1 nhẹ nhàng với phong cách thăm quan, ngắm cảnh địa danh nổi tiếng và nghỉ dưỡng của "Tuần trăng mật", thì Phần 2 lại trày trật với những đoạn đường di chuyển cả ngày trời và những chuyến trekking nửa đêm đúng nghĩa của "Tuần dập mật". Nhưng cuối cùng kết quả mang lại đều hoàn toàn xứng đáng với mục tiêu kỳ vọng và công sức đã bỏ ra.
Mình xin chia sẻ lại chuyến đi lần này để bạn bè tham khảo và có thể lựa chọn cách đi theo Phần 1 hay Phần 2, hoặc nếu đủ điều kiện có thể kết hợp cả 2 Phần.
I. TỔNG QUAN VỀ CHUYẾN ĐI
- Tổng thời gian: 5 ngày 4 đêm, chưa tính 2 đêm đi xe từ NT-SG và ngược lại.
- Chi phí: 25 triệu VNĐ/ 2 người.
- Điểm đến: điểm nhấn lần này là tour leo núi lửa trên đảo Đông Java 3 ngày 2 đêm, với 2 ngọn núi đều đang hoạt động là Ijen và Bromo:
+ Ijen thực tế là một tổ hợp núi lửa, trong đó thường được biết đến nhất là ngọn núi chính cũng có tên Ijen, nổi tiếng với hồ axit, blue fire và hoạt động khai thác lưu huỳnh trên đỉnh núi. Nơi đây được công nhận là hồ núi lửa axit lớn nhất thế giới, cũng là 1 trong 2 nơi trên thế giới có thể tận mắt chứng kiến hiện tượng "blue fire" hay "blue lava" đặc biệt (nơi còn lại ở Ethiopia). Hồ axit sunfuric có màu xanh ngọc bích đặc trưng và có thể nhìn thấy từ ảnh vệ tinh. Blue fire thì là một hiện tượng cháy đặc biệt của các hợp chất lưu huỳnh ngay khi thoát ra khỏi mặt đất, tạo ra ngọn lửa neon màu xanh kỳ ảo mà chỉ có thể quan sát được vào ban đêm.
+ Bromo là một ngọn núi lửa đang hoạt động nằm trong tổ hợp núi lửa Bromo Tengger Semeru. Nơi đây có một dạng địa hình cực kỳ đặc biệt, bởi hoạt động của một ngọn lúi lửa cổ đại đã tạo ra một "hõm chảo", là một thung lũng cát bằng phẳng rộng khoảng 5.250ha (Sea of Sand), rồi từ giữa cái hõm chảo đó lại hình thành tạo ra 5 ngọn lúi lửa nhỏ bên trong, và Bromo là một trong số đó. Chính bởi cái thung lũng Sea of Sand đó được bao quanh bởi bức tường là dãy núi của ngọn núi lửa cổ đã giúp tạo nên và giữ lại đám mây sương mù kỳ ảo ngay trong thung lũng, mặc dù bên kia sườn núi của ngọn núi lửa cổ hoàn toàn trong xanh không có mây. Cảm giác tuyệt vời nhất chính là được ngồi trong xe jeep trong đêm, đi từ sườn núi bên này, băng qua làn mây sương mù của thung lũng, leo lên lại sườn núi bên kia của ngọn núi lửa cổ, để được lên ngắm nhìn toàn cảnh thung lũng đón bình minh. Lúc này tận mắt chứng kiến biển mây kỳ ảo bao quanh 5 ngọn núi lửa dần dần hé lộ trong ánh bình minh, kết hợp với đám mây lưu huỳnh phun lên từ ngọn núi Bromo vẫn đang hoạt động, cảm tưởng như lạc vào một thế giới khác.
+ Ngoài 2 điểm đến đặc biệt nêu trên, bọn mình vẫn có 2 ngày nghỉ dưỡng nhẹ nhàng ở đảo Bali tại khu Kuta và Ubud để hồi sức sau tour "hành xác". Điểm nhấn ở đây là 1 khu đền tại Ubud ngay đối diện homestay và thưởng thức món đặc sản Sườn heo nướng.
- Giao thông – hạ tầng: 5 năm quay trở lại Bali, mình cảm nhận rõ rệt sự gia tăng đáng kể của xe ô tô trong khi hạ tầng giao thông không đáp ứng dẫn đến tình trạng kẹt xe rất nhiều tại khu trung tâm Kuta và cả Ubud. Ngày đầu tiên di chuyển bằng ô tô khiến mình trễ hơn khoảng 3 tiếng so với dự kiến vì kẹt xe. Rất may là khi về lại Bali mình đi xe máy nên đỡ ảnh hưởng hơn nhiều, vì xe máy luồn lách khá tiện. Tuy nhiên cảm giác đông đúc, chật chội tại các khu trung tâm cũng làm bọn mình ngột ngạt phần nào trong chuyến đi này. Ngoài ra có một điều dễ nhận ra là ảnh hưởng của hậu Covid hiện diện rất rõ tại Bali với rất nhiều địa điểm vẫn đóng cửa, cảm tưởng dù khách rất đông nhưng sự phục hồi sau dịch vẫn không được như tại Việt Nam.
- Con người: cũng như lần trước, mình vẫn có những kỷ niệm ấn tượng về con người Bali nói chung, đặc biệt là bởi tính thẳng thắn, chân thật và nhiệt tình.
II. CHI TIẾT
1. Chuẩn bị:
- Passport, và đương nhiên là không cần Visa
- Đặt vé máy bay, phòng, thuê xe máy, tour đi leo núi bên đảo Java: chi tiết ở phần sau
- Đặt mua Sim data: vẫn như lần trước, mình đặt Sim trên trang Klook. Lần này với giá 320k VNĐ/ 8GB/ 30 ngày, nhận Sim tại sân bay. Lưu ý cần điền thông tin đăng ký Sim trên Form google trước 24 tiếng để thời gian nhận Sim được nhanh chóng, nếu không xử lý tại chỗ mất tầm 10 phút. Ngoài ra thì các Sim Việt Nam thì vẫn nhận được sóng chuyển vùng để nhận tin nhắn/ cuộc gọi bình thường, chỉ đừng sử dụng dữ liệu để tránh mất tiền là được. Do đó bạn vẫn nên để Sim Việt Nam hoạt động để nhận OTP khi cần giao dịch thanh toán.
- Cài đặt và sử dụng ứng dụng Whatsapp để trao đổi với người dân Indo (tour, khách sạn, thuê xe…)
- Đổi tiền: nên đổi trước 1 khoản nhỏ tiền Indo (IDR), còn lại nên mua USD rồi vô khu trung tâm đổi lại để được tỷ giá tốt. 1 IDR ~ 1.65 VNĐ
- Update so với 5 năm trước: gậy tự sướng hiện tại không bị thu giữ tại sân bay Bali với lý do (ngớ ngẩn) là có thể kéo dài gây nguy hiểm :)).
2. Di chuyển:
- Việt Nam – Bali: lần này thuận tiện hơn với đường bay thẳng SG – Bali của Vietjet, vào khung giờ cũng rất đẹp, cộng thêm đường cao tốc Nha Trang – SG đã xong. Do đó mình tiết kiệm thời gian được 2 đêm đi xe kịp ngay trước và sau chuyến bay. Đặc biệt vé mình mua trước chỉ hơn 1 tháng nhưng vẫn rất rẻ so với mặt bằng vé máy bay nội địa hiện nay. Vé khứ hồi SG – Bali chỉ 3.9tr VNĐ/người (5 năm trước chặng Nha Trang – Bali, có quá cảnh tại Malaysia, là 4.6tr VNĐ/người).
- Bali – tour leo núi tại Java – về lại Bali: bọn mình chọn phương án "khổ trước, sướng sau", tức là đặt tour để ô tô đón trực tiếp tại sân bay và chở đi suốt hành trình đi Ijen và Bromo tại Java. Theo chương trình tour thì xe sẽ chở ngược về lại Bali nhưng để đỡ thời gian di chuyển quá dài và không cần thiết, bọn mình chọn phương án để xe chở tiếp tới sân bay Surabaya rồi bay ngược về lại Bali. Vé máy bay giá rẻ của Lion Air cũng chỉ khoảng 800k VNĐ/người. Ngoài ra cũng có thể có phương án "sướng trước, khổ sau" là bay trực tiếp từ Bali tới Surabaya rồi đi tour ngược lại Bromo – Ijen và đi xe về Bali. Tổng quãng đường di chuyển ô tô theo hành trình trên khoảng hơn 500km, bao gồm 1 đoạn đi phà giữa 2 hòn đảo. Chi phí ô tô đã tính trọn gói trong tour đặt, chi tiết ở mục tiếp theo. Lưu ý: giờ ở đảo Bali là GMT+8, còn giờ ở đảo Java là GMT+7 (giống giờ Việt Nam).
- Thuê xe máy tại Bali: lần này mình đã tìm hiểu được điểm dịch vụ cho thuê xe máy có thể nhận/ trả xe ngay tại sân bay Bali rất tiện. Để nhận xe tại sân bay thì cần thuê tối thiểu 3 ngày (tính theo 24 tiếng), còn để trả xe thì không yêu cầu. Mình thuê dòng xe nhỏ gọn Scoopy của Honda hoặc Fazzio của Yamaha (thương hiệu riêng tại Indo, kiểu tương đương với Vision bên này) với giá 85k IDR/ngày. Tiền cọc xe là 300k IDR và không yêu cầu mua bảo hiểm (một số điểm thuê xe bắt buộc mua bảo hiểm với giá rất cao ~400k IDR và cọc tiền cũng hẳn mấy trăm USD). Tuy nhiên khi gặp trực tiếp nói chuyện họ cảm thấy tin tưởng mình nên không yêu cầu tiền cọc luôn. Xe mới, có 2 mũ bảo hiểm, 2 áo mưa và đặc biệt đợt này có gắn cả giá đỡ điện thoại để nhìn bản đồ khi chạy xe rất tiện. Theo quy định thì cần có bằng lái xe quốc tế, tuy nhiên khi show cái bằng lái xe Việt Nam ra thì họ cũng yên tâm và cho mình thuê (thực tế bạn cũng có thể chuẩn bị trước bằng cách xin cấp chuyển sang bằng lái xe quốc tế trên cổng Dịch vụ công).
Thông tin điểm thuê xe: https://maps.app.goo.gl/KMBZhKuiBioyKK787, SĐT có thể nhắn tin qua Whatsapp: +62 813 3873 9690
Lưu ý nhắc lại: ở Bali chạy xe phía tay trái nhé! Lần này mình đã thích nghi nhanh và ít bị nhầm hơn so với đợt trước.
3. Tour leo núi lửa Ijen – Bromo
Mình muốn viết riêng 1 phần về tour leo núi lửa này vì nó rất đặc biệt. Hi vọng giúp thêm nhiều thông tin để mọi người trải nghiệm.
- Đặt tour: vợ mình liên hệ hỏi khoảng 4-5 tour địa phương thông qua facebook, có cả tour của Việt Nam liên kết với bên Indo. Trong đó đa phần các tour xuất phát từ phía sân bay Surabaya (trên đảo Java) đi Bromo rồi mới tới Ijen. Cuối cùng bọn mình chọn tour xuất phát từ sân bay tại Bali, và chọn tour 3 ngày 2 đêm để có thêm thời gian nghỉ ngơi ở Bali. Có 1 lựa chọn khác là tour 4 ngày 3 đêm, sẽ có thêm 1 điểm đến là 1 con thác nổi tiếng nằm giữa Bromo – Ijen.
- Chi phí tour: vì tour đi bằng xe ô tô 7 chỗ, có 1 lái xe và 1 guide. Do đó để tối ưu chi phí nhất thì nên đi nhóm 4-5 người. Còn nếu đi 2 người như bọn mình mà muốn đặt tour riêng thì giá sẽ cao, dao động khoảng 3-3.5tr IDR/người cho tour 3 ngày 2 đêm. Có 1 điểm lưu ý là giá cả các bên tour báo giá sẽ có sự chênh lệch khá lớn, khiến mình rất bối rối. Do đó cần kiểm tra thông tin kỹ về các dịch vụ bao gồm trong tour để so sánh như: điểm đón/ trả khách, ăn uống, chỗ nghỉ, vé tham quan tại Bromo - Ijen, vé xe jeep đi Bromo (bắt buộc phải dùng xe jeep riêng của dân địa phương)…
Lưu ý: bạn nên hỏi rõ tour về việc họ chuẩn bị giấy khám sức khỏe khi leo núi Ijen như nào vì đây là tờ giấy bắt buộc phải có. Bọn mình đã gặp phải sự số này khi leo Ijen dẫn đến bỏ lỡ không kịp để ngắm Blue fire, rất đáng tiếc!
- Chuẩn bị: chuẩn bị các bộ quần áo đủ ấm vì leo núi vào ban đêm rất lạnh, nên có mũ len, găng tay. Tuy nhiên không nên quá bí vì mồ hôi sẽ đổ ra khi leo, dễ bị cảm lạnh ngược lại. Đương nhiên là cần chuẩn bị thể lực cơ bản, đặc biệt khi leo Ijen thì sẽ khá mệt.
- Chương trình tour:
(i) Ngày 1 – di chuyển đến Java, gần Ijen: Theo chương trình ban đầu thì 18h00 mới xuất phát từ Bali và di chuyển thẳng đến Ijen để leo núi ngay trong đêm. Tuy nhiên do chuyến bay mình đến vào khoảng buổi trưa nên mình có deal lại là khoảng 13h đón tại sân bay rồi chở mình đi ăn trưa và đổi tiền tại khu trung tâm, sau đó 14h00 xuất phát. Vì vậy bọn mình tự đặt 1 khách sạn nhỏ cách điểm tập trung leo núi khoảng 30 phút ô tô để có thời gian nghỉ ngơi trước khi leo núi. Thời gian di chuyển từ sân bay đến khách sạn ước tính tưởng chỉ 4 tiếng, ấy vậy mà vì kẹt xe mà tổng thời gian tới gần ... 8 tiếng =)). Mình tới khách sạn lúc hơn 22h (đã chuyển qua giờ Java), và tranh thủ ngủ được 2 tiếng trước khi tiếp tục xuất phát.
Khách sạn mình đặt online: OYO 1415 Ijen Resto & Guest House. Giá rẻ gần 300k VNĐ.
(ii) Ngày 2 – leo Ijen: 00h30 xe ô tô di chuyển đến trại tập trung leo Ijen. Khoảng hơn 1h thì tới trại tập trung ở độ cao khoảng 1.800m, ngoài trời rất lạnh. Mình đi đúng cuối tuần nên rất đông, có khoảng cả nghìn khách đều tập trung tại các điểm tập kết trước khi xuất phát. Mọi người tụ tập trước các quán ven đường chờ tour guide làm thủ tục đăng ký và cấp phát mặt nạ phòng độc. Tại các quán có bán cà phê gói nóng (~10 – 15 IDR/ ly), rất hợp với không khí khi ngồi quanh các đống lửa. 2h sáng, khu du lịch bắt đầu mở cửa và mọi người xuất phát. Riêng bọn mình vì sự cố thiếu tờ giấy khám sức khỏe nên phải di chuyển xuống núi đến phòng khám gần nhất, do đó xuất phát vào lúc 3h15. Quãng đường trekking tới đỉnh núi Ijen khoảng 3.5km tốn khoảng 1.5 – 2 tiếng tùy thể lực. Mặc dù thời gian chuẩn bị thể lực không nhiều, nhưng cũng may là bọn mình leo khá ổn, tới đỉnh khoảng 4h45 (một phần vì động lực cần phải nhanh để kịp thấy Blue fire). Tuy nhiên chặng đường từ đỉnh núi leo xuống khu vực miệng núi lửa để nhìn Blue fire thì lại khó khăn và tắc đường, phải mất thêm ~45 phút nữa. Do đó sau khi đi thêm 1 đoạn, nhắm tình hình không kịp trước bình minh, bọn mình quyết định quay lên và đành lỡ hẹn với Blue fire. Hơn 5h, trời bắt đầu sáng, khung cảnh núi non mây trắng hùng vì bắt đầu hiện ra trước mắt, cảnh quan tuyệt đẹp có phần khá giống như ở các nước Bắc Âu. Tiếc là về phía hồ Ijen, lượng mây lưu huỳnh thoát ra hôm nay nhiều nên không thể chứng kiến trọn vẹn màu xanh ngọc bích ấy. Trên đỉnh núi có 1 quán nhỏ để mọi người nghỉ ngơi uống cafe, ăn mì gói hồi sức hoặc đi vệ sinh với giá 5k IDR/người. Ngoài ra ở đỉnh núi có nhiều người dân địa phương bày bán các bức tượng lưu niệm được đúc từ… lưu huỳnh. Các bức tượng màu vàng trông rất bắt mắt nhưng quả thật mình chưa thấy có khách nào mua, chắc ai cũng biết về sự độc hại của nó. Theo 1 bài review khác thì tượng lưu huỳnh cũng không được mang trên máy bay, nên chẳng rõ họ làm tượng vậy để làm gì?! Có 1 điểm rất thú vị khác là dọc đường leo núi sẽ bắt gặp rất nhiều xe tự chế để chở khách không thể tiếp tục tự leo, mà người dân hay gọi vui là "taxi lamborghini". Chiều lên chở 1 khách sẽ có 1 người kéo, 1 người đẩy; còn chiều xuống thì chỉ cần 1 người đẩy phía sau và có thể chở tới 2 khách. Giá cả thì khoảng 1-1.2tr IDR/ chiều lên; 500k IDR/ chiều xuống, ngoài ra còn tùy thuộc vào đoạn đường và đặc biệt là sự mệt mỏi của "nạn nhân" :)). Khoảng 7h, bọn mình xuống núi, di chuyển về khách sạn nghỉ ngơi, ăn sáng và chuẩn bị chuyến đi tiếp theo.
(ii) Ngày 2 – di chuyển đến gần Bromo: khoảng 10h30, xe xuất phát từ khách sạn chạy thẳng tới điểm khách sạn tiếp theo tại chân núi Bromo, tour lo phần ăn trưa tại quán cơm dọc đường. Khoảng 17h30, bọn mình tới khách sạn, nghỉ ngơi, ăn tối tại khách sạn và trao đổi với ông tour guide để điều chỉnh và thống nhất về chương trình tour leo núi sáng hôm sau. Do đã bị lỡ Blue fire tại Ijen vì sự cố chuẩn bị nên lần này bọn mình phải hỏi lại rất kỹ các thông tin về tour xe jeep và các điểm đến liên quan để đạt được mục đích mong muốn. Lưu ý là để leo Bromo thì bắt buộc bạn phải thuê xe jeep của dân địa phương hoặc phải đi bằng xe máy (xe ô tô bình thường không đi được vì lý do đường đèo hẹp, dốc, không đảm bảo an toàn).
(iii) Ngày 3 – ngắm bình minh tại thung lũng Bromo Tengger Semeru: 2h sáng xe jeep đón tại khách sạn và bắt đầu xuất phát. Mỗi xe chở được 5 khách, tài xế lái xe nhiệt tình và thân thiện, nhưng đa phần không thạo tiếng Anh, chỉ có thể giao tiếp cơ bản bằng cử chỉ và google dịch hỗ trợ. Cung đường đèo từ khách sạn đi lên đỉnh núi (là sườn núi phía Đông-Bắc của ngọn núi lửa cổ mà mình đã đề cập phần trên) quanh co nhưng xung quanh vẫn nhiều nhà cửa san sát, quang cảnh có phần thân thuộc như ở Đà Lạt. Chỉ đến khi từ đỉnh đi xuống thung lũng Sea of Sand thì mọi thứ bắt đầu thay đổi hoàn toàn, bởi bạn sẽ ngạc nhiên tròn mắt không hiểu chuyện gì đang xảy ra khi trong màn đêm tối ở giữa khu vực đồi núi, trước mặt là làn sương mù mờ ảo không thấy mặt đường nhựa ở đâu, mà lại có đến hàng trăm chiếc xe jeep thi nhau chạy nối đuôi nhau thành khoảng 3-4 hàng xe song song trên mặt đất với tốc độ cao hơn hẳn so với cung đường đèo vừa mới đi trước đó. Khung cảnh cực kỳ hồi hộp và kịch tính như trong cảnh rượt đuổi của một bộ phim hành động. Thực tế đoàn xe jeep đang di chuyển từ sườn phía Đông-Bắc, băng qua thung lũng bằng phẳng Sea of Sand để sang sườn phía Tây-Bắc của ngọn núi lửa cổ, từ đó có thể leo lên điểm đẹp nhất để ngắm bao quát toàn bộ tổ hợp núi lửa Bromo Tengger Semeru. Đến đoạn đèo ở sườn núi Tây-Bắc, cung đường đèo dốc và quanh co hơn rất nhiều. Càng gần tới điểm tập kết thì bạn mới càng bất ngờ về sự đông đúc của điểm du lịch này, bởi con đường đèo lúc này giờ đã được lấp đầy hoàn toàn 2 bên đường là 2 hàng xe jeep đang đậu xếp hàng kín chỗ theo hướng ngược lại, và các xe đi sau cứ phải len lỏi vừa đủ giữa 2 hàng xe này để đi tiếp đến cuối hàng mới kiếm được chỗ quay đầu và đậu xe. Khi xe dừng lại, tài xế sẽ ở lại trong xe đợi và hẹn giờ để bạn quay lại vào khoảng 6h15. Vì khu vực đậu xe thường không có sóng điện thoại, nên bạn cần nhớ địa điểm đậu xe và chụp lại biển số xe để sau đó dễ tìm. Bọn mình đi vào ngày thứ 2 nên hàng xe mới chỉ khoảng 1km, còn ngày cuối tuần cao điểm nghe bảo lên tới 3km, đến nỗi luôn có sẵn dịch vụ xe ôm để chở từ nơi đậu xe lên tới điểm tập trung! Bạn cũng đừng bất ngờ vì khoảng 80% khách du lịch ở đây là các đoàn khách Trung Quốc. Sau đó bọn mình vào 1 quán tập trung, cảm giác uống ly cà phê nóng giữa trời đêm lạnh này khá chill giống với ly sữa đậu nành nóng tại Đà Lạt. Khoảng 3h45 sáng, mọi người bắt đầu leo bộ lên các ngọn đồi để chuẩn bị đón bình minh tại thung lũng. Ở đây có 3 điểm đồi để lựa chọn ngắm bình mình, theo thứ tự về độ cao giảm dần như sau: Penanjakan, Bukit Prau, King Kong hill, tùy lựa chọn theo vị trí phù hợp với mình. Bọn mình leo lên đồi Bukit Prau gần nhất khá đơn giản, chỉ khoảng 10 phút. Đến nơi đã có rất nhiều người săn ảnh lựa chọn sẵn địa điểm đẹp để dựng máy ảnh, và số lượng người leo lên ngày càng nhiều, chẳng mấy chốc đã phủ kín phần ngọn đồi chỉ khoảng 100m2. Khoảng 5h kém, khung cảnh thung lũng hùng vĩ của ngọn núi lửa cổ đại, nổi bật ở giữa là 5 ngọn núi lửa nhỏ bắt đầu hiện ra trước mặt. Nhưng chính làn mây sương mù bao phủ toàn bộ thung lũng Sea of Sand mới là điểm nhấn cho khung cảnh kỳ ảo này, điều mà rất khó để có thể diễn tả hết bằng lời nói, xin giành lại cho mỗi người tự cảm nhận qua những bức ảnh!
(iii) Ngày 3 – check in Sea of Sand và leo núi Bromo: 6h15, bọn mình có mặt tại xe và bắt đầu xuống thung lũng. Dọc đường đi xuống bạn lại càng được tận mắt chứng kiến tầng mây kỳ ảo này. Khi xuống khu vực Sea of Sand, các tài xế sẽ tự lựa những điểm dừng để khách tranh thủ check in với chiếc xe jeep của mình cùng cảnh mây núi hùng vĩ phía sau. May mắn vì ông tài xế của bọn mình lựa chỗ dừng rất có tâm, tranh thủ săn được những pose ảnh ưng ý. Sau đó xe chở đến điểm tập trung để bắt đầu leo núi Bromo, từ đây bắt đầu đi bộ khoảng 1.5km. Đoạn đường không quá khó đi, nhưng vẫn có dịch vụ ngựa thồ để chở du khách lên đỉnh. Khách sẽ ngồi trên ngựa, và chủ ngựa thì đi bộ dắt ngựa ở phía trước, nên hóa ra không nhanh hơn là bao, chỉ là đỡ công leo, mà chi phí thì cực thốn với 400k IDR/ người (chỉ thồ 1 người). Đoạn đường mòn dốc tự nhiên dẫn dần lên tới chân núi Bromo khoảng 1.3km, sau đó còn 200m cuối là đoạn dốc cao hơn với bậc thang xây nhân tạo, tính ra cung đường nhẹ nhàng hơn nhiều so với Ijen. Lên tới đỉnh Bromo là bắt đầu nghe rõ tiếng gầm gừ phát ra từ miệng hố của ngọn núi lửa đang hoạt động. Bên dưới thấy rõ phần bề mặt miệng núi lửa có những khe thoát khí lưu huỳnh ra ngoài, tạo thành đám mây khí bay trên miệng núi. Mặc dù vậy thì lượng khí tại Bromo rất nhỏ so với Ijen nên hầu như không ngửi thấy mùi lưu huỳnh tại đỉnh núi, vì vậy khách có thể tham quan tự nhiên (tất nhiên nếu có những hoạt động núi lửa mạnh hơn thì sẽ có cảnh báo đóng cửa khu du lịch). Lúc này trên đỉnh Bromo nhìn lại về phía thung lũng sẽ chứng kiến đám mây sương mù dần dần tan theo thời gian và khung cảnh thực của Sea of Sand bắt đầu hiện rõ. Càng nhìn bạn sẽ càng cảm phục trước Tạo hóa, bởi một vùng đất bằng phẳng như vậy lại tồn tại ngay giữa 1 miệng núi lửa khổng lồ. Thú vị hơn ở Bromo là dọc đường mình bắt gặp 3 đoàn Việt Nam, cá biệt có cả đoàn 16 người toàn người lớn tuổi đi tour trọn gói từ SG, mình thán phục khi gặp các bác 60-70 tuổi leo lên tận đỉnh Bromo!
Đến 9h, bọn mình quay lại xe jeep và về khách sạn để check out và xe chở thẳng ra sân bay Surabaya để bay về Bali, kết thúc hành trình 3 ngày 2 đêm khám phá đảo Java nhiều kỷ niệm.
4. Ăn chơi nghỉ dưỡng tại Bali
- Kuta – Khu trung tâm đông đúc và ngột ngạt: Kuta chỉ là điểm dừng chân tạm thời sau khi mình bay về lại Bali. Tại đây mình nhận xe máy thuê sau khi đã liên hệ đặt trước, do mình chỉ thuê 2 ngày nên không giao xe trực tiếp tại sân bay mà chỉ giao tại khách sạn. Mình đặt khách sạn ngay trong trung tâm nên không tránh khỏi cảm giác đông đúc, kẹt xe. Quãng đường từ sân bay về khách sạn nếu đi bộ khoảng 15 phút, thì đi grab car tới 20 phút vì đường 1 chiều và kẹt xe. Khu Kuta này rất đông khách Tây, cảm giác giống khu Bùi Viện ở SG hoặc khu phố Tây ở Nha Trang. Mình nghỉ tại khách sạn Transera Kamini Legian, chuẩn 3 sao với giá 500k VNĐ. Nói chung vì là điểm dừng chân tạm, nên không có quá nhiều ấn tượng.
- Ubud – Điểm đến ưu tiên hàng đầu: 9h sáng ngày thứ 4, bọn mình check out và bắt đầu phóng xe đi Ubud, cách khoảng 40km. Vì lần trước đã ở trung tâm Ubud rồi nên đợt này bọn mình chọn 1 homestay cách khu trung tâm khoảng 5km. Homestay nằm giữa cánh đồng lúa thực sự mang lại cảm giác thanh bình. Tới Ubud, bạn sẽ trải nghiệm được cảm giác mọi thứ nhân tạo từ khách sạn, nhà hàng, đền thờ tôn giáo đều được hòa mình với thiên nhiên, tận dụng tối đa những gì mà tự nhiên mang lại, mặc dù những địa điểm này đều nằm ngay sát mặt đường chính. Buổi trưa, bọn mình đi ăn ở nhà hàng Layana Warung nằm ngay trên sườn đồi của một thung lũng cạnh dòng suối và con thác nhỏ với view ăn trưa cực kỳ mãn nhãn. Ăn xong bọn mình xuống suối để tranh thủ check in.
Đến chiều, bọn mình tham quan Goa Gajah, hay còn gọi là Elephant Cave, là một đền thờ Hindu được tạc vào trong lòng ngọn núi, nằm ngay đối diện Homestay. Phần đền thờ chính thực ra không quá ấn tượng, mà đặc biệt là bởi khu rừng tự nhiên ở xung quanh. Càng đi sâu vào khám phá, bạn sẽ ngỡ ngàng khi liên tục gặp những khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời như vậy.
- Sườn heo nướng – điểm đến không thể bỏ qua: chuyến đi lần trước mình đã có giới thiệu món sườn heo nướng tại Wahaha Pork Rib ở khu Jimbaran. Tuy nhiên lần này với trải nghiệm quán mới tại Ubud thì mình cực kỳ khuyến nghị bạn bè nên thử ở đây. Đây là 1 quán của dân địa phương, không phải kiểu làm du lịch như Wahaha. Quán chỉ phổ biến trên các trang review của khách Tây nên rất ít khách Việt Nam biết đến (mình không thấy có review trên Google map của người Việt Nam). Món sườn heo nướng nổi tiếng ở đây được hầm chín sẵn, sau đó nhúng qua nước sốt đặc biệt và bỏ lên bếp than nướng khoảng 5-10 phút để thấm gia vị. Sườn ăn rất mềm với sốt gia vị vừa phải, rất hợp khẩu vị. Đặc biệt giá cả rất mềm với phần sườn lớn khoảng 400gr chỉ có giá 60k IDR, tức chỉ khoảng 100k VNĐ! Điểm lưu ý là nếu đi ăn vào ngày cuối tuần thì xác định quán sẽ rất đông và bạn phải chờ lâu, thời gian chờ xếp hàng để có bàn và thời gian chờ món ăn có thể từ 30-60 phút. Do đó bạn nên tới sớm trước 19h30 hoặc tranh thủ né cuối tuần để tránh phải chờ đợi lâu. Chính vì trải nghiệm món sườn tại đây quá đặc biệt, nên sau khi ăn tối tại đây, bọn mình quyết định trưa ngày hôm sau lại mua về khách sạn để ăn trưa trước khi trả phòng :D.
Địa điểm quán ăn: Warung Kayana, cách khu trung tâm Ubud khoảng 5km.
5. Những kỷ niệm nhớ đời:
(i) Thực tế thì bọn mình đã đặt tour leo Ijen – Bromo với giá rất rẻ so với mặt bằng chung (mà chắc là do xuất phát từ lỗi của nhân viên báo giá tour), do đó đến ngày cuối cùng mình phải xử lý chịu phần chi phí phát sinh về thuê xe jeep và vé tham qua Bromo vì ông Tour guide trình bày thẳng thắn luôn là: "tui hết sạch tiền rồi :))". Cộng thêm sự cố về thiếu giấy khám sức khỏe tại Ijen khiến cho đây là một kỷ niệm rất thú vị trong chuyến đi lần này. Điểm đặc biệt ở đây không phải là vì những vấn đề phát sinh, mà là bọn mình lại đón nhận những sự cố đó trong tâm thế rất thoải mái, và quan trọng là hướng đến để xử lý vấn đề. Cuối cùng bọn mình vẫn đạt được mục đích trọn vẹn với tour tại Bromo, và phần tính cả chi phí phát sinh thêm thì vẫn còn rẻ hơn so với những tour khác. Sau đó thì bọn mình cũng rất thoải mái với ông Tour guide vì họ đã thẳng thắn chia sẻ về vấn đề gặp phải, đương nhiên không quên nhắc ổng làm việc lại với quản lý tour về vấn đề báo giá tour cho khách.
Do đó mình xin không chia sẻ thông tin của chỗ đặt tour này trong bài viết.
(ii) Vào buổi sáng ngày cuối cùng, bọn mình phóng xe vào khu trung tâm Ubud để tham quan. Sau khi quan sát một ông tour guide địa phương đang dẫn 2 khách nước ngoài cũng đang đỗ xe ngay cạnh Ubud Palace để vào tham quan, bọn mình cũng làm tương tự. Sau khi tham quan Ubud Palace và dạo chợ mua đồ, đi ra thì phát hiện cả 2 lốp xe máy đều đã… xẹp. Mình nhìn quanh thấy cái nắp nhựa bịt van bánh xe nằm dưới đất bên cạnh, và có cả 1 bánh bị tháo mất luôn cái khóa của van hơi (tức không thể bơm hơi vào được). Và tất cả những xe máy đậu gần quanh đó cũng gặp tình trạng tương tự. Đang loay hoay không biết vì sao thì một bà cô đối diện gọi qua và nói do đỗ xe sai chỗ nên bị cảnh sát xì lốp xe, và quả thật nhìn lại thì thấy cái bảng cấm đỗ xe :)). Cuối cùng mình đành đẩy bộ khoảng 300m để gặp một tiệm bán xe đạp, may mắn là họ giúp đỡ bơm bánh và tháo cái khóa van của 1 cái xe đạp để lắp sang thay cho cái đã mất.
May mắn là cả 2 sự cố nêu trên không ảnh hưởng nhiều đến chuyến đi lần này, mà mình chỉ cảm thấy đó là những kỷ niệm nhớ đời với ý nghĩa rất lớn của việc: luôn suy nghĩ tích cực, đối mặt với những biến động không lường trước được của cuộc sống và cuối cùng sẽ tìm thấy được niềm vui trong đó. Điều đó cũng giống như trải nghiệm mà cả 2 vợ chồng mình đang có với quyết định cùng nghỉ việc lần này, và nó vẫn đúng với slogan "Không quan trọng bạn đi đâu, mà là bạn đi với ai".
Hi vọng mọi người có thêm những thông tin và kiến thức hay qua bài viết này, cùng với Phần 1 có thể giúp mọi người phần nào trong kế hoạch đi Bali sắp tới.