Mình vừa đi tự túc Nhật một mình, di chuyển bằng phương tiện công cộng nên muốn chia sẻ với các bạn một chút thông tin cho những ai muốn đi giống mình. Mình đi Tokyo, Kawaguchiko, Kyoto, Osaka và vùng quê gần Hiroshima nên những điều này là áp dụng cho những nơi đó nhé, nơi khác mình không biết.
1. Google maps sẽ nói cho bạn tất cả những gì bạn cần biết.
Đi tàu line nào, từ ga nào, vô cổng nào, tên chuyến, platform nào, nên ngồi toa nào để ra cho lẹ, ra cổng nào google maps đều có cả. Bạn nhớ để ý cổng ra cổng vô cho chính xác vì ở các ga lớn, đi sai cổng là mò ra mệt lắm đó. Ở trong nhà ga thường có bảng chỉ dẫn tiếng Anh luôn, nên bạn theo đó mà đi. Với khi ra tới platform bạn sẽ thấy thông tin hướng tàu (trạm tiếp theo là gì) ở trên tường/cột thì đối chiếu với trên google maps là đảm bảo không bị lạc.
Đi buýt thì dễ hơn, cứ ra trạm với canh đúng hướng mà đi.
Trên tàu/buýt đều có thông báo tên trạm/ga tiếp theo. Bạn để ý nghe/xem thì không lo bị lạc.
2. Mua vé tàu và shinkansen.
Mình đáp ở Narita, khi đi theo chỉ dẫn để ra tàu thì sẽ thấy chỗ mua vé cho Skyliner. Kế bên là chỗ bán thẻ Welcome Suica. (Hình như kế đó nữa là bán JR rail pass và Suica thường, mình không mua nên không rõ). Mình mua thẻ Welcome Suica xong nạp 10,000 vô đi hết 9 ngày khắp nơi, thêm vài lần mua đồ cũng quẹt thẻ đó thì tới cuối chuyến đi là cũng hết tiền trong thẻ.
Ngoài ra mình còn mua Tokyo metro pass và Osaka metro pass trên Klook, thấy khá lợi, nhất là ở Tokyo có thể dùng được nhiều line. Osaka thì hình như hướng gần sân bay Kansai không đi được nên các bạn cân nhắc. Ở Kyoto có 1 day pass cho buýt và một số tuyến metro nhưng mình hình như phải ra ga mua, mình chỉ thấy quảng cáo trên buýt.
JR rail pass mình không mua vì sau khi dùng JR rail pass calculator (japan-guide hay japantravel.navitime đều có) thì nó mắc hơn mua vé lẻ. Những chặng chắc chắn giờ đi thì mình mua vé online trên web smart ex, trả bằng thẻ tín dụng. Mua xong họ sẽ email bạn cách lấy vé giấy hoặc dùng QR code để đi. Không mua trước thì ra ga mua cũng được, có thể trả bằng thẻ luôn. Mình mua ở máy chứ không vô counter. Đa số mình chọn ghế reserved nhưng cũng có lúc mình chọn non-reserved để tiết kiệm một chút. Mình đi một mình nên khoản này dễ, ngồi đâu cũng được. Đi nhiều mình thì chọn reserved để ngồi gần nhau. Vé reserved là mua cái ghế đó, giờ đó, ngày đó. Bạn ra trễ thì coi như mất chỗ nhưng vẫn có thể ngồi toa non-reserved ở chuyến khác cùng ngày. Vé non-reserved là kiểu bạn chỉ đặt theo ngày thôi, không cần chọn giờ, chọn ghế. Mỗi tàu chỉ có vài ba toa non-reserved, khi bạn lên mà mấy toa đó hết chỗ thì bạn phải chịu đứng tới khi có chỗ.
3. Kawaguchiko rất đông
Mua vé buýt từ Shinjuku station trên web highwaybus.com Hình như có thể đi tàu nữa, có khi là sẽ tiện hơn vì đi cuối tuần dễ bị kẹt xe.
Mình đi cuối tuần, lại vô tình trúng ngày ở đó tổ chức marathon nên rất rất đông. Xuống Kawaguchiko station mà thấy một đoàn người xếp hàng chờ lên buýt. Lên buýt thì chật như nêm. Đi cáp treo thì chờ nửa tiếng để lên (mà cáp treo ở đó chỉ có 1 line thôi nên chờ rất lâu).
Nếu bạn có ý định đi Yamanakako (thật ra thì mình ngủ đêm ở Yamanakako, sáng lên Kawaguchiko) thì nhớ để ý giờ buýt. Buýt nối 2 hồ này cách 1 tiếng mới có 1 chuyến. Mình không để ý, thế là lãng phí thời gian chờ đợi 🥲
À nếu bạn có vác hành lí theo như mình thì có thể gửi ở phía đối diện ga Kawaguchiko, giá rẻ hơn ở trong ga.
4. Gửi hành lí ở coin lockers
Các ga tàu đều có coin lockers, 500 yen, 1000 yen một lần sử dụng. Gửi ở ga lớn thì nhớ lưu lại vị trí để còn biết đường mà kiếm. Nhớ chuẩn bị đồng 100 yen để xài.
5. Chuẩn bị tinh thần đi bộ rất nhiều và tốn nhiều thời gian di chuyển
Các điểm du lịch mình thấy thường cách trạm tàu 10 phút đi bộ. Các điểm du lịch nổi tiếng cũng rất rộng, từ cổng đi vô cả một đoạn đường dài nên là đi bộ phê luôn. Vô Meiji Jingu mà tưởng đâu vô rừng, đi mãi mới tới đền chính. (Mà ở đó đông lắm nha.)
Tuy đi tàu buýt rất tiện nhưng tốn thời gian lắm. Các bạn lên kế hoạch thì nhớ cộng thêm thời gian đi lạc nữa 😆
Một số tips mình học được nhưng không có áp dụng chuyến này:
1. Mua nước ở nhà thuốc sẽ rẻ hơn ở cửa hàng tiện lợi. Vì cửa hàng tiện lợi thì dễ tìm hơn nên mình chỉ toàn mua ở cửa hàng tiện lợi.
2. Đi đông thì nên đặt bàn nhà hàng trước. Mình đi có 1 mình nên dễ thôi, cứ thấy quán nào không xếp hàng thì vô thôi 😄 Các bạn cũng có thể xem reviews quán trên Tabelog, từ 3 sao trở lên là ngon rồi vì người Nhật đánh giá 3 sao là tốt.
3. Dùng dịch vụ vận chuyển hành lí
Có dịch vụ chuyển hành lí của bạn từ sân bay tới ks, từ ks này tới ks kia, sẽ rất tiện cho những bạn hành lí cồng kềnh. Mình vác có một cái ba lô thôi nên không cần tới. Các bạn tìm Yamato luggage delivery là có. Một số ks có liên kết với dịch vụ này nữa nên không cần ra tới vp của họ.
4. Ở 2-3 nơi thôi rồi đi day trips thay vì di chuyển liên tục
Ks 3h mới check in, 10h đã check out nên nếu di chuyển nhiều thì vác theo hành lí rất mệt. Từ Tokyo bạn có thể đi day trip tới Fuji, Nikko, Hikone đồ. Từ Kyoto/Osaka đi Nara, Himeji. Mình tham đi nhiều nên tốn kha khá tiền cho shinkansen với coin lockers. Lại khá mệt. Lần sau mà đi thì mình sẽ ở cố định 2-3 nơi thôi.